Thứ ba, 17/3/2020, 10h47

Tuyển sinh lớp 10 TP.HCM dời đến khi nào?

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết có thể kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 17.7 với cấu trúc đề thi không đổi so với năm 2019.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2019 tại TP.HCM /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2019 tại TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học đến đâu, thi đến đó
Sáng 16.3, trao đổi với PV về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết học sinh (HS) đừng nên lo lắng bởi định hướng của Sở là học đến đâu thi đến đó. Chương trình học đến đâu thì nội dung trong đề thi sẽ hỏi đến đó, không nằm ngoài những kiến thức HS đã học.
Tiến độ học có chậm thì Sở sẽ tổ chức kiểm tra nội dung theo tiến độ dạy và học thực tế. HS cứ đảm bảo học chắc kiến thức trong chương trình và vận dụng kiến thức trong quá trình làm bài tập.
Thời gian thi sẽ tính toán theo các quyết định của Bộ GD-ĐT. Mọi năm, sau khi kết thúc năm học từ 1 - 2 ngày, Sở tổ chức tuyển sinh lớp 10, năm nay cũng vậy. Nếu kết thúc năm học là ngày 15.7 như khung kết thúc năm học mà Bộ GD-ĐT công bố trong tuần qua thì có thể kỳ thi lớp 10 năm nay sẽ diễn ra vào khoảng ngày 17.7.
Về cấu trúc và nội dung đề thi, ông Hiếu khẳng định: Dù thời gian học của HS bị gián đoạn dài do dịch Covid-19 nhưng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ không bị tác động về mặt cấu trúc. Nội dung kiến thức vẫn có mức độ phân hóa.
Cấu trúc đề thi ra sao?
Về cấu trúc đề thi, ông Dương Bửu Lộc, phụ trách môn toán của Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020 sẽ giống như năm 2019. Cụ thể, đề có 8 câu, thời gian làm bài 120 phút. Trong đó, câu 1, 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình; 5 câu tiếp theo là dạng toán thực tế; câu 8 là toán chứng minh hình học. Trong đó, các bài toán dạng thuần túy là dạng bài rất dễ lấy điểm, HS đã rất quen thuộc. Vì thế, khi ôn tập, HS cần chú ý làm cho thuần thục để tránh mất điểm trong khi thi. Về dạng toán thực tế, mức độ vẫn gắn với kiến thức HS đã học.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nói rằng HS sau khi học xong nội dung kiến thức, hiểu bản chất của kiến thức và vận dụng vào giải quyết yêu cầu của bài toán ứng dụng chứ không phải học tương tác trực tiếp với giáo viên mới vận dụng được. HS đã được làm quen dạng bài này trong quá trình học ở bậc THCS.
Tương tự môn toán, cấu trúc đề thi môn ngữ văn không thay đổi. Với thời gian làm bài 120 phút, thí sinh thực hiện 3 phần nội dung có thang điểm cụ thể như sau: phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).
Trong đó, ở phần đọc hiểu, các câu hỏi sẽ được tổ chức theo mức độ từ nhận biết, thông hiểu cho đến vận dụng thấp, vận dụng cao. Phần nghị luận xã hội, thí sinh phải biết vận dụng các thao tác lập luận, rút ra bài học hành động cho bản thân trước một vấn đề xã hội đang được quan tâm, phù hợp với lứa tuổi.
Còn phần nghị luận văn học, thí sinh vẫn sẽ có 2 lựa chọn, trong đó lựa chọn 1 phân tích tác phẩm trong chương trình đặt trong yêu cầu mở rộng, liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tiễn cuộc sống. Lựa chọn 2 là dạng đề mở dựa vào sự hiểu biết văn học của thí sinh, từ đó thể hiện năng lực giải quyết vấn đề.
Với môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên môn tiếng Anh của Sở, cho hay đề nhấn mạnh vào yếu tố từ vựng, ngữ nghĩa câu, ứng dụng trong tình huống và thực tế đời sống, phải biết phân tích để hiểu ngữ nghĩa của từ đặt trong các bối cảnh khác nhau. Ngữ pháp cũng quan trọng nhưng chỉ chiếm từ 30 - 40% cấu trúc đề. Vì vậy, theo ông Lữ, để đạt kết quả bài thi như mong muốn, HS chú ý học từ vựng thật chắc để có cơ sở phân tích đi đến lựa chọn đáp án chính xác.
Theo Bích Thanh/TNO