Thứ bảy, 14/1/2023, 10h36

Tuyển sinh vượt chỉ tiêu: Trường đại học đã “nhờn” luật?

Số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2021 lên đến con số kỷ lục 78 trường. Tình trạng trường ĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu tồn tại nhiều năm qua là do biện pháp chế tài không đủ nghiêm hay việc xác định chỉ tiêu đào tạo không còn phù hợp thực tế?
Tuyển sinh vượt chỉ tiêu: Trường đại học đã “nhờn” luật? ảnh 1
Tuyển đủ chỉ tiêu là bài toán không đơn giản của các trường ĐH. Ảnh: Như Ý

Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa xử phạt hành chính 78 cơ sở giáo dục ĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm 2021. Trong đó, Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ ĐH cả trình độ thạc sĩ. Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Nguyễn Trãi đều tuyển vượt và đã bị xử lý…

Tìm hiểu đề án tuyển sinh những năm gần đây của Trường ĐH FPT cho thấy, ở một số khối ngành, số lượng sinh viên trúng tuyển, nhập học được trường này công bố cao hơn nhiều so với chỉ tiêu được đề ra trước đó. Năm 2021, chỉ tiêu của trường là 9.900, nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học lên tới 10.392. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh có 3.289 sinh viên nhập học trong khi chỉ tiêu công bố trong đề án là 3.050. Ngành Công nghệ thông tin có số sinh viên nhập học cao hơn chỉ tiêu là 324 sinh viên. Tuyển sinh năm 2020, Trường công bố 7.800 chỉ tiêu nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học là 8.609, vượt hơn 10%. Ngành Quản trị kinh doanh tuyển vượt 570 sinh viên; ngành Công nghệ thông tin vượt 416 sinh viên. Năm 2019, tổng số sinh viên trúng tuyển nhập học của trường cũng vượt chỉ tiêu công bố lên đến gần 800 sinh viên. Ngành Quản trị kinh doanh chênh lệch 701 sinh viên; ngành Ngôn ngữ Anh vượt 94 sinh viên.

Áp dụng các hình thức phạt bổ sung

TS Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, cho biết, việc xử lý các cơ sở đào tạo tuyển sinh không đúng quy định là việc làm thường niên của Bộ. Đây không phải là năm đầu tiên xảy ra tình trạng nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu, dù không được phép. Điều này khiến nhiều người bày tỏ nghi ngại về mức xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu như hiện nay còn nhẹ, không có nhiều tác dụng răn đe.

Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT nói rằng, việc xử phạt hành chính bằng tiền đối với lĩnh vực giáo dục hiện nay có thể tính răn đe còn thấp nhưng đối với cơ sở giáo dục, các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sẽ có tính răn đe cao và mạnh. Theo ông Cường, mỗi hành vi vi phạm tùy theo tính chất mức độ còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho rằng, hiện nay gần như nguồn thu của các trường, đặc biệt các trường tự chủ, hoàn toàn phụ thuộc vào học phí; nếu tuyển không đủ chỉ tiêu thì không đủ tiền chi trả cho bộ máy, đầu tư phát triển, mua sắm trang thiết bị... Trong khi đó, phương án tuyển sinh của các trường mấy năm nay, tỉ lệ thí sinh ảo luôn khá cao. Năm 2022, tuy Bộ GD&ĐT đã đưa tất cả phương thức lên hệ thống lọc chung nhưng tỉ lệ ảo vẫn lên đến 18%. Đây là con số thống kê trên hệ thống, chưa kể trong số thí sinh đã trúng tuyển có những em không nhập học vì nhiều lý do. Chính vì vậy, các trường luôn “trừ hao” bằng cách gọi cao hơn chỉ tiêu ít nhất 50%.

Bài toán thực tế

Theo ông Dũng, trong quá trình học tập, một số trường ĐH lớn như ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM… mỗi năm cho nghỉ học khoảng 10% sinh viên. “Việc Bộ GD&ĐT siết đầu vào và phạt đối với những trường hợp vượt chỉ tiêu dù không đáng kể là chưa thực sự hợp lý. Bởi thực tế nếu các trường tuyển thiếu hoặc vừa đủ chỉ tiêu thì sẽ phải nới lỏng yêu cầu về chất lượng đào tạo, không dám ra đề thi khó hoặc kiểm tra quá gắt gao vì sợ sinh viên bỏ học. Từ đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đầu ra”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, việc xây dựng chỉ tiêu đào tạo dựa trên số giảng viên như hiện nay chưa thực sự hợp lý vì giảng viên dịch chuyển tự do giữa các trường. Tương tự, về cơ sở vật chất, mỗi ngày có thể chia ra 3 ca học nên số lượng phòng ốc có thể đáp ứng nhiều hơn chỉ tiêu. Chưa kể, với một số môn, cả ngàn sinh viên có thể cùng lúc học lý thuyết trực tuyến. Do đó, chỉ nên yêu cầu chặt về cơ sở vật chất phòng thí nghiệm để đảm bảo chất lượng thực hành. Còn việc siết cơ học, máy móc như hiện nay là chưa phù hợp thực tế.

Có chuyên gia cho rằng, thực tế có tình trạng các trường chạy theo số lượng và lợi nhuận mà lơ là chất lượng, kể cả với bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Hình thức “phạt để tồn tại” như hiện nay chưa đủ sức răn đe vì lợi ích khi tuyển vượt chỉ tiêu cao hơn mức phạt.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, nói rằng, lãnh đạo các trường ĐH hằng năm khi tuyển sinh đối mặt 3 tình huống: tuyển không đạt chỉ tiêu, tuyển đúng chỉ tiêu và tuyển vượt chỉ tiêu. Chính phủ có quy định các trường được tuyển vượt 5% (2020 trở về trước), vượt 3% (2021 đến nay), vượt ít hơn không sao, vượt nhiều hơn thì năm sau bớt chỉ tiêu bù lại. Các trường dựa vào đó để thực hiện.

Theo ông Tùng, năm 2022, quy trình lọc ảo tốt nhưng số thí sinh không nhập học vẫn lên đến 18%; điều này có giống như bài toán vượt tốc độ 3% là phạt trong khi đồng hồ đo tốc độ sai số 18%. Để tuyển đúng, phải tính đến số ảo, và thực tế không có cách tính đúng 3% trong khi tỉ lệ ảo lớn như vậy.

Theo Nghiêm Huê/TPO