Thứ tư, 6/10/2021, 10h22

Ứng phó với giá dầu tăng mạnh

Nhà nước có thể triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu...
Giá dầu thế giới đang ở giai đoạn tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu đang rất lạc quan. Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu tăng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong nước sau đại dịch.
Có thể lên tới 100 USD/thùng
Trong phiên giao dịch đầu giờ sáng 5-10 (giờ Việt Nam), giá dầu mỏ tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,24% lên 77,8 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 12 tăng 0,26% lên 81,51 USD/thùng. Tập đoàn Tài chính Bank of America (BoA) thậm chí còn dự báo giá dầu nhiều khả năng sẽ cán mốc 100 USD/thùng ngay đầu mùa đông năm nay do giá khí đốt tăng lên mức kỷ lục.
Ứng phó với giá dầu tăng mạnh - Ảnh 1.
Giá xăng dầu liên tục tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến phục hồi sản xuất - kinh doanh sau đại dịch 
Ở trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đã tăng liên tục trong những lần điều chỉnh gần đây. Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất ngày 25-9, mỗi lít RON 95 tiến sát ngưỡng 22.000 đồng, còn xăng E5 RON 92 cũng tăng lên gần mức 21.000 đồng/lít. So với đầu tháng 2, mỗi lít xăng RON 95 tăng 4.670 đồng, còn xăng E5 RON 92 cũng thêm 4.410 đồng/lít.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), xu hướng tăng giá xăng dầu là do nhiều nền kinh tế kiểm soát được dịch Covid-19, đang trong quá trình mở cửa và phục hồi nên nhu cầu đi lại, sản xuất tăng cao. Chính vì vậy, bà Lê Việt Nga nhận định giá xăng dầu thế giới được dự báo là sẽ khó giảm, trong khi đây là yếu tố quan trọng tác động tới giá xăng dầu trong nước.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở nhiều nước khiến nhu cầu về nhiên liệu gia tăng trong quá trình phục hồi kinh tế, nên dự báo thời gian tới, giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Tuy vậy, giá dầu còn phụ thuộc vào các yếu tố như cung - cầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có giảm bớt sản lượng và lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng hay giảm.
Điều hành giá linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, việc giá dầu thế giới tăng tác động 2 mặt đến kinh tế Việt Nam. Ở mặt tích cực, giá dầu tăng sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ dầu thô. Bên cạnh đó, nguồn thu gián tiếp từ các loại thuế từ xăng, dầu như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngân sách cũng sẽ tăng. Trước đó, khi giá dầu giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN trong lĩnh vực khai thác dầu khí trong nước.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng khi DN trong nước có thể tính toán tận dụng thời điểm này để tăng khối lượng khai thác, xuất khẩu. Về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho biết vừa qua, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm tới 60%-80%, bộ đã cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tăng xuất khẩu dầu thô để thêm nguồn thu cho nhà nước. Dù vậy, bộ vẫn lưu ý DN phải tính toán kỹ, làm sao để tăng sản xuất nhưng phải bảo đảm được đầu ra.
Ở chiều ngược lại, theo PSG-TS Ngô Trí Long, giá dầu tăng sẽ tác động đến các ngành sản xuất vì đây là nhiên liệu đầu vào. Cụ thể, giá dầu thô tăng kéo theo giá xăng dầu thành phẩm đi lên, làm tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế, gia tăng áp lực lên giá cả. Đặc biệt, đây là nhân tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Ông Long phân tích thêm trong thời điểm Việt Nam đang chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, việc giá nhiên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất - kinh doanh của DN sau thời gian ngưng trệ. Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhìn nhận DN sẽ đối mặt với một số khó khăn khi giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng. Ngoài ra, giá dầu thô tăng còn đẩy giá các loại vật tư, nguyên liệu khác leo thang.
Trong bối cảnh đó, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng nhà nước cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều tiết, làm sao mức tăng giá xăng dầu trong nước không đột biến như giá thế giới, từ đó làm giảm bớt phí đầu vào của DN. Về phía Bộ Công Thương, đại diện cơ quan này khẳng định vẫn luôn bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và phối hợp với Bộ Tài chính phát huy hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, DN" - đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Liên quan tới việc Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất phương án giảm thuế, như thuế bảo vệ môi trường, để giảm giá xăng trong nước, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá đây là giải pháp dài hạn, cần thời gian để xem xét, đề xuất Quốc hội thông qua, bởi việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Ông cho rằng: "Còn trước mắt, khi các DN đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, chúng ta nên triển khai các biện pháp có thể thực hiện ngay như sử dụng quỹ bình ổn để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho DN, người dân; hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để DN bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu". 
Giá năng lượng leo thang giữa khủng hoảng
Hệ thống năng lượng rơi vào khủng hoảng trên toàn thế giới trong bối cảnh giá dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá tăng phi mã trong những tháng gần đây. Tại Trung Quốc, Anh và những quốc gia khác, khủng hoảng nhiên liệu đã gây mất điện diện rộng và người dân xếp hàng dài mua xăng.
Sau phiên thảo luận về sản lượng dầu khai thác cho tháng 11, Liên minh giữa OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài (được gọi là OPEC+) ngày 4-10 tuyên bố duy trì mức tăng như thỏa thuận đã đạt được hồi tháng 7, tức chỉ thêm 400.000 thùng/ngày, bất chấp việc Mỹ và Ấn Độ kêu gọi gia tăng nguồn cung sau khi giá dầu tăng hơn 50% trong năm nay. Ngay sau thông báo của OPEC+, giá dầu thô Brent đã vượt ngưỡng 81 USD/thùng - mức cao chưa từng thấy trong 3 năm trở lại đây. Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự đoán nguồn cung năng lượng có thể bị thắt chặt hơn nữa vì những nỗi lo liên quan đến đại dịch Covid-19, khiến giá dầu từ đây đến cuối năm có thể tăng thêm 10 USD/thùng.
Trong khi đó, Pháp đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giảm phụ thuộc năng lượng vào nước ngoài. Theo đài CNBC, giá khí đốt giao đầu tháng 10 tại Trung tâm TTF Hà Lan (giá tiêu chuẩn cho khu vực châu Âu) đã tăng gần 400% kể từ đầu năm nay. Giới chuyên gia nhận định xu hướng tăng sẽ tiếp diễn, đặc biệt là khi mùa đông đang đến gần. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, châu Âu cần đa dạng hóa nguồn cung và đi theo mô hình của Pháp - nơi năng lượng hạt nhân chiếm một phần lớn trong thị trường, để đạt được mức độ tự chủ cao hơn. EU nhận phần lớn nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga. Năm 2020, Moscow cung cấp 43,4% trữ lượng cho EU, tiếp đến là Na Uy với 20%.
 
MINH CHIẾN (theo NLĐ)