Thứ năm, 19/3/2020, 10h26

Ưu và nhược điểm khi dạy học qua Internet

Ủng hộ dạy học qua Internet hay truyền hình, nhưng nhiều giáo viên cho rằng rất khó đánh giá khả năng tiếp thu của học trò do sự tương tác kém.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tăng cường học qua Internet trong thời gian nghỉ phòng Covid-19, Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) quyết định tổ chức ghi hình bài giảng và phát trên Youtube cho học sinh lớp 12 từ tuần này. Ngày 17/3, tổ Hóa thực hiện bài hợp chất của nhôm. Sáng 18/3, tổ Toán có ba bài nguyên hàm, tích phân và số phức. Mỗi video 30 phút, phát vào trưa và tối. Sau đó, học sinh vào Zalo hoặc Facebook để trao đổi với giáo viên.

Việc chuẩn bị máy, quay và dựng phim rồi đưa lên Youtube do một thầy giáo dạy kỹ năng ở trường phụ trách. Giáo viên tham gia giảng dạy không lấy thù lao, tự lập nhóm trên Zalo, Facebook để trao đổi với học sinh nên nhà trường không mất nhiều chi phí. Việc thực hiện đơn giản nhưng vẫn đạt được mục đích truyền tải kiến thức tới học sinh.

Đã nhiều lần tự làm video bài giảng đưa lên Facebook, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Toán trường Nguyễn Du, cho rằng ưu điểm của cách làm này là tạo cho học sinh kênh ôn tập hiệu quả, gần gũi trong khi nghỉ tránh Covid-19, giữ được "cảm giác" học, tránh lãng phí thời gian.

Tuy nhiên, nó cũng có nhiều khiếm khuyết. Một mình trong căn phòng với chiếc máy quay, giáo viên mất cảm xúc truyền đạt, không thể chỉ bài cho từng em, giải đáp ngay thắc mắc hoặc tổ chức hoạt động nhóm. Cách dạy này cũng thiếu cơ chế kiểm soát nên không thể biết hết học sinh có thực học hay không. Dạy và học trực tuyến chưa có quy định chính thức nên không thể ép buộc học trò.

Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tạo hành lang pháp lý và hướng dẫn cụ thể cho việc dạy học trực tuyến, E-learning bởi các trường đang thực hiện theo cách riêng. Chưa kể, nếu công nhận dạy trực tuyến, ngành giáo dục phải chuẩn bị kho học liệu, phần mềm, cơ sở hạ tầng đầy đủ, đồng bộ để không bị bất công với học sinh các vùng miền.

Giáo viên trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) thực hiện bài giảng Vật lý để phát trên các phương tiện truyền thông của trường hôm 17/3. Ảnh: Huỳnh Phú.

Giáo viên trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) thực hiện bài giảng Vật lý để phát trên các phương tiện truyền thông của trường hôm 17/3. Ảnh: Huỳnh Phú.

Khác với trường Nguyễn Du, trường Cao đẳng Quốc tế TP HCM đã tổ chức dạy trực tuyến cho hệ 9 + Cao đẳng và hệ cao đẳng. Trong đó, với các lớp 10, 11, 12 hệ 9 + Cao đẳng, trường dạy bốn môn Toán, Văn, Lý, Hóa. Mỗi bài giảng 90 phút, học sinh được học qua video khoảng 15 phút trên Youtube hoặc Facebook, sau đó vào ứng dụng Hangout meet để học trực tiếp với giáo viên.

Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Lý cho biết thời gian đầu cả giáo viên và học sinh còn bỡ ngỡ, nay mọi việc đi vào nề nếp, thuần thục. Học sinh tỏ ra hào hứng với cách học này. Nhiều giáo viên trẻ còn tổ chức bài giảng theo cách mới lạ, lồng ghép trò chơi đố kiến thức. Với 300 học sinh ở hệ này, thầy Lý tự tin có thể kịp tiến độ chương trình khi các em trở lại trường. "Dĩ nhiên sau đó trường phải ôn tập lại những gì đã dạy trực tuyến, nhưng tốc độ nhanh hơn", thầy Lý nói.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), ủng hộ dạy và học qua Internet để học sinh "không chơi vơi khi nghỉ học kéo dài". Trường cũng đang thực hiện phương thức này nhưng chỉ mang tính bổ trợ, hệ thống hóa kiến thức.

Theo thầy Khang, việc dạy học trực tuyến được đặt ra ngay khi học sinh phải nghỉ phòng tránh dịch, nhưng khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chưa công nhận kết quả. Hôm 13/3, Bộ đề nghị tăng cường học trực tuyến và qua truyền hình. Khi học sinh đi học trở lại, các trường rà soát, đánh giá kết quả học trực tuyến, từ đó tinh giản nội dung và điều chỉnh kế hoạch dạy học.

"Bộ chấp nhận học từ xa nhưng đó là sự chấp nhận trong tình huống bất đắc dĩ", thầy Khang nói và chỉ ra ba vấn đề mà học trực tuyến không đáp ứng được. Thứ nhất, chất lượng học qua Internet hay truyền hình không thể so sánh với cách học truyền thống - nơi tạo ra sự tương tác tốt hơn giữa học sinh và giáo viên, có điểm danh, quản lý, có hỏi bài, đánh giá.

Thứ hai, hình thức này tạo ra sự không đồng đều giữa các địa phương. Ở mỗi tỉnh thành, nó cũng cho thấy sự không đồng đều giữa các học sinh. Với những em có đầy đủ thiết bị học tập, có ý thức tự học và gia đình quản lý tốt thì có tác dụng. Những em điều kiện khó khăn, không được quản lý sẽ học đối phó.

Thứ ba, học trực tuyến còn khiến các trường vin vào đó để thu tiền học trong khi chất lượng không được đảm bảo, một số trường tổ chức dạy học theo cách "có còn hơn không". Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 17/3 khẳng định không quy định chương trình và mức thu cho học online mà do trường và phụ huynh thỏa thuận. Nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để tính toán mức thu hợp lý, đồng thời thông báo công khai.

Không chỉ dạy qua Internet, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích địa phương tổ chức dạy học qua truyền hình. Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh, thành đã thực hiện. Là giáo viên được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lựa chọn dạy Địa lý lớp 12 trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, cô Trần Thị Thu Hương (trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy) phải chuẩn bị rất công phu.

Ở hai buổi ghi hình vừa thực hiện, cô phải soạn bài trên Word, Power Point, tìm hình minh họa, video, lập sơ đồ tư duy hướng dẫn học sinh ôn bài, xây dựng kịch bản dẫn khi lên hình rồi trao đổi qua lại nhiều lần với ban cố vấn chuyên môn của Sở và đồng nghiệp. Cô cũng phải làm quen với trường quay, tập luyện và biên tập cùng ban biên tập của Đài sao cho video bài giảng đúng 30 phút.

"Một bài giảng trên lớp 45 phút, có học sinh tương tác. Giờ phải dạy sao trong 30 phút, không có học sinh và vẫn phải đảm bảo chuẩn chương trình, sáng tạo là điều giáo viên phải tính toán", cô Hương nói.

Cô Trần Thị Thu Hương trong buổi ghi hình bài giảng Địa lý lớp 12 tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sáng 17/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Trần Thị Thu Hương trong buổi ghi hình bài giảng Địa lý lớp 12 tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sáng 17/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dù chuẩn bị công phu đến đâu, theo cô Hương giảng bài qua truyền hình vẫn là một chiều. Học sinh học ở nhà nếu không tự giác và chăm chỉ sẽ không chủ động tiếp thu, nghe xong lại trôi đi. "Dạy qua truyền hình cũng khiến giáo viên không thể đáp ứng nhu cầu của mọi học sinh với học lực khác nhau, không kiểm soát được mức độ lĩnh hội kiến thức của các em", cô Hương nói.

Tuy nhiên, giáo viên này cho rằng với tình hình dịch bệnh hiện nay, đây là giải pháp tốt nhất để kết nối với học sinh mà vẫn an toàn, đảm bảo việc học không bị ngắt quãng quá nhiều. Nó cũng có một số ưu điểm như giúp học sinh tiếp cận với nhiều giáo viên có phong cách dạy khác nhau. Bài học trên truyền hình được lưu trên Youtube và các nền tảng khác giúp các em học lại mọi lúc mọi nơi.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhận định học trên truyền hình là phương án khả thi và đại trà hơn so với học online qua các nền tảng, mạng xã hội vì học sinh vùng khó khăn dễ tiếp cận. Dạy qua truyền hình cũng không tốn kém, không phải mua thêm máy móc hay đào tạo kỹ thuật viên. Chương trình của các trường là như nhau nên có thể dạy chung.

Trở ngại lớn nhất, theo ông Khuyến, là giám sát việc học của học sinh. Các trường cần phối hợp với hội phụ huynh để quản lý. Giáo viên ở trường nắm rõ thời khóa biểu để theo dõi, giải đáp thắc mắc cho các em qua những phương tiện truyền thông thông thường.

Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết, sau đó nghỉ phòng Covid-19. Một tháng rưỡi qua, các địa phương 5-6 lần điều chỉnh lịch nghỉ học. Hà Nội và TP HCM cho toàn bộ học sinh nghỉ đến 5/4, các tỉnh thành khác đa số cho nghỉ hết tháng 3, riêng học sinh THPT ở khoảng 30 địa phương đi học từ ngày 2/3.

Đến ngày 19/3, 173 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất hiện Covid-19, làm hơn 218.380 người nhiễm bệnh và 8.930 người chết. Việt Nam ghi nhận 76 ca nhiễm, trong đó 16 người đã khỏi.

Theo Dương Tâm - Mạnh Tùng/Vnexpress