Chủ nhật, 9/1/2022, 16h28

Vá “lỗ hổng” kiến thức ra sao?

Cập nhật số ca nhiễm Covid-19 - mỗi ngày cả nước có trung bình trên dưới 15.000 ca nhiễm mới. Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, tuy nhiên chiến dịch tiêm phòng vắc-xin cũng mang đến sự phòng bệnh cần thiết. Học sinh (HS) hồ hởi đan xen nỗi lo trước ngày được đến trường để học trực tiếp thay cho việc học trực tuyến kéo dài suốt thời gian qua. Có những đắn đo của phụ huynh để đưa ra quyết định đồng ý cho con đến trường. Dù rằng việc học trực tuyến có những mặt tích cực nhất định, nhưng nhìn nhận về mức độ tiếp nhận kiến thức của HS trong thời gian qua có nhiều hạn chế, các em chỉ tiếp nhận được 1/2 khối lượng kiến thức so với hình thức học truyền thống. Những nguyên nhân có thể kể đến là do thời lượng học trực tuyến giảm, nội dung bài học tinh gọn, dạy theo hướng để HS tự tìm hiểu nên nếu các em không tự giác, không có phương pháp học đúng sẽ rất đuối. Có những HS thường xuyên lấy lý do micro hư, mạng chập chờn, đang đi vệ sinh... để trốn tránh khi giáo viên gọi phát biểu. Thậm chí có em thường xuyên vô lớp trễ vì ngủ quên, dù giáo viên đã liên lạc với phụ huynh 4 lần để nhờ hỗ trợ nhắc nhở nhưng HS vẫn chưa tự sắp xếp được thời gian biểu. Việc học trực tuyến khá tiện lợi, chỉ cần mở máy tính với thao tác chưa đến 5 phút, không mất thời gian di chuyển từ nhà đến trường, thế nhưng vì sao vẫn có vài em thường xuyên vào lớp muộn?

Những việc HS cần làm khi quay trở lại trường. Việc đầu tiên là các em cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và nghiêm túc, cần nhanh chóng thay đổi thói quen sinh hoạt cho phù hợp, cần có kế hoạch ôn tập kiểm tra học kì I và cả việc bổ sung kiến thức bị hổng. Các trường sẽ tổ chức dạy học trực tiếp và cho kiểm tra bằng hình thức trực tiếp theo hướng dẫn của sở GD-ĐT. Sự chuẩn bị của nhà trường, sự quan tâm của gia đình là rất lớn, bên cạnh đó phải là ý thức trách nhiệm của HS. Sau gần 2 tuần đi học trở lại, vẫn có nhiều HS lớp 12 chưa thật nghiêm túc, coi nhẹ việc học và cả việc tuân thủ các quy định. Giáo viên đang phải gấp rút ôn tập và bổ sung kiến thức để HS hoàn tất nội dung của học kỳ I, cũng như trang bị cho HS có đủ kiến thức ở các mức độ để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Nhưng nói cho đúng thì việc vá “lỗ hổng” kiến thức phải do chính các em HS. Việc học là một quá trình, vấp ngã chỗ nào đứng lên chỗ đó. Một “lỗ thủng” quá lớn thì không thể nào bịt kín chỉ trong vài tuần lễ. Đây cũng là khó khăn cho giáo viên. Chúng ta cần thấy rằng khi đã đủ điều kiện an toàn thì HS cần được đến trường và nên duy trì trong điều kiện cho phép. Để làm được điều này thì rất cần sự chung tay của gia đình cùng nhà trường, để đảm bảo an toàn cho HS khi ở trường cũng như ở nhà. Các đơn vị đã có những kế hoạch chung và phương án riêng của từng trường khi thực hiện đón HS đi học trực tiếp. Rất mong tất cả HS đều có ý thức chung về phòng chống dịch để lớp học được an toàn, để việc học tập được ổn định trong những ngày chuẩn bị bước qua thềm năm mới.

Lâm Vũ Công Chính
(Giáo viên Trưng THPT Nguyn Du, TP.HCM)