Thứ ba, 21/9/2021, 14h57

Vẫn còn giáo viên khó khăn chưa nhận được trợ cấp

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam đánh giá, dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến ngành GD-ĐT TP. Đời sống đội ngũ nhà giáo, người lao động đang gặp nhiều khó khăn, nhất là với giáo viên đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi...


TP.HCM vẫn còn nhiều giáo viên, người lao động đủ điều kiện nhưng chưa được nhận hỗ trợ (hình minh hoạ)

Hàng ngàn giáo viên, người lao động gặp khó đã được nhận các chính sách hỗ trợ với số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng. Song, vẫn còn số người lao động trong ngành đủ điều kiện nhưng chưa được nhận trợ cấp.

Đánh giá trên được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra trong Hội nghị giám sát của Đoàn ĐBQH TP.HCM về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 sáng 21-9.

Hàng chục ngàn tỷ đồng hỗ trợ giáo viên, người lao động gặp khó

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho biết, dịch đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Từ tháng 5-2021 đến nay, tất cả các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đã phải dừng việc dạy và học trực tiếp, ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch thời gian năm học, kế hoạch tổ chức các kỳ thi, công tác tuyển sinh, chuẩn bị năm học mới 2021-2022.

Các cơ sở giáo dục công lập khó khăn trong việc chi trả lương cho giáo viên, người lao động ký hợp đồng lao động, cụ thể với các chức danh giáo viên, bảo vệ, phục vụ, bảo mẫu, nhân viên nấu ăn.

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập đứng trước nguy cơ không có khả năng chi trả các khoản tiền thuê mặt bằng, điện, nước. Đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ ngày 1-5-2021 đến nay.

Thông tin cụ thể về các chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên, người lao động trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam khẳng định, ngành đã quán triệt, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo các NQ của Chính phủ và NQ của HĐND TP.

Tính đến ngày 6-8-2021, Công đoàn Giáo dục TP đã chi hỗ trợ cho 93 người lao động diện F0, F1 bị cách ly, phong tỏa với số tiền 282.925.000 đồng; Công đoàn cơ sở chi hỗ trợ cho 526 người với số tiền 577.393.000 đồng. Vận động và ủng hộ 1.752.108.844 đồng hỗ trợ mua vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

Công đoàn ngành Giáo dục TP và công đoàn các cấp đã phối hợp cùng tổ chức Tài chính Vi mô CEP xét duyệt 1.005 hồ sơ vay vốn với tổng số tiền là 48.447.269.437 đồng, hỗ trợ vay vốn từ 10- 50 triệu đồng/ hồ sơ.

Chương trình “Chuyến xe yêu thương” với rau, củ, quả của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, hỗ trợ đến nhà giáo, người lao động tại TP.HCM, đợt hỗ trợ đầu, đã thực hiện hỗ trợ đến nhà giáo, người lao động tại Q. 5, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận và các chuyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, 46 trường thuộc TP.Thủ Đức. Đợt tới sẽ tiếp tục chăm lo nhà giáo, người lao động các quận, huyện tiếp theo.

Đối với việc triển khai thực hiện NQ 42/NQ-CP ngày 9-4-2022 và NQ 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ, có 929 người được hưởng chế độ. Trong đó 881 người đã được nhận hỗ trợ với số tiền 1.515.400.000 đồng, còn lại đang thực hiện thủ tục trợ cấp.

Việc triển khai thực hiện NQ số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hưởng hỗ trợ là 4.565 người. Trong đó, 389 người đã được nhận hỗ trợ với số tiền 975.390.000 đồng, còn lại đang thực hiện thủ tục hỗ trợ. Ngoài ra, 28 trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hiện đang thực hiện các thủ tục hỗ trợ.

Việc triển khai thực hiện NQ 09/2021/NQ-HĐND ngày 25-6-2021 của HĐND TP, có 10.711 đối tượng đủ điều kiện nhận được hỗ trợ tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Trong đó, 7.539 người đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền là 14.933.872.400 đồng, còn lại đang thực hiện thủ tục hỗ trợ.

Người lao động đang làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, TH, THCS, THPT chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ 1-5-2021 đến ngày 31-12-2021, có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 31 người. Trong đó, 3 người đã nhận hỗ trợ với số tiền là 7.200.000 đồng, còn lại đang thực hiện thủ tục hỗ trợ.

Vẫn còn lao động đủ điều kiện nhưng chưa được nhận trợ cấp

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hoài Nam nhận định, quá trình triển khai các chế độ chính sách hỗ trợ người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay, vẫn còn người lao động trong ngành đủ điều kiện nhưng chưa được nhận trợ cấp.

“Thành phần hồ sơ đề nghị trợ cấp có yêu cầu nhiều loại giấy tờ như bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu, chứng minh người lao động đang mang thai; giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ; giấy chứng nhận nuôi con nuôi; quyết định giao nhận, chăm sóc trẻ của cơ quan có thẩm quyền... Trong khi đó, việc xác nhận các giấy tờ nêu trên là rất khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội, phần nào ảnh hưởng đến quá trình xét duyệt hồ sơ”, ông Nam nêu rõ.

Cạnh đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho biết, nhiều quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục ngoài công lập do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không mua bảo hiểm xã hội tự nguyện nên chưa đủ điều kiện để được nhận trợ cấp theo NQ số 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TP nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.

Một số quận huyện do kinh phí được cấp còn chậm nên còn nhiều người dân chưa nhận được trợ cấp. Việc rà soát, lập danh sách đối tượng được hưởng chính sách ở một số trường, địa phương còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng phần nào đến tiến độ công việc.

“Các chế độ, chính sách, thủ tục hỗ trợ cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả hơn”, ông Nam đề xuất.

Trước đó, thông tin tại buổi làm việc trực tuyến với Ban Văn hoá- Xã hội, HĐND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động toàn ngành bị mất việc làm là 12.341 người; 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0...

Yến Hoa