Thứ ba, 20/10/2020, 21h17

Văn học với trẻ thơ và người lớn

1. Một em bé được mẹ đọc cho nghe truyện Tấm Cám. Đọc xong, mẹ hỏi: - Con thích Tấm hay Cám? Em bé trả lời ngay: - Thích Cám. Bà mẹ tròn xoe mắt hỏi: - Vì sao con thích Cám? Em bé hồn nhiên trả lời: - Vì Cám có mẹ.

Đấy là cách tiếp nhận và lý giải sự việc, sự vật, con người của trẻ khi nghe và đọc truyện. Nó phản ánh tâm hồn và trí tuệ trong trắng, hồn nhiên của trẻ thơ.

2. Mọi người đều biết câu chuyện của thầy giáo ở Mỹ dạy truyện Lọ Lem. Khi thầy hỏi học sinh: - Nếu em là người mẹ kế (dì ghẻ), em có ngăn cản Lọ Lem đi dự hội không? Học sinh trả lời: - Em cũng sẽ ngăn cản không cho Lọ Lem đi dự hội. Thầy hỏi: - Vì sao? Học sinh đáp: - Vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu. Thầy: - Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.

3. Những tác phẩm văn học hay, sâu sắc, trong đó có rất nhiều câu chuyện cổ, thường hàm chứa nhiều ý nghĩa và có thể suy luận theo nhiều cách hiểu khác nhau. Tôi nghĩ, trong nhà trường, khi dạy đọc một câu chuyện, trước hết hãy để cho trẻ hiểu, tiếp nhận ý nghĩa của câu chuyện ấy bằng chính trí tuệ và tâm hồn của mình. Nhưng đã là giáo dục, dù là giáo dục văn học, vẫn phải có vai trò “dạy dỗ” của người thầy. Vì vậy, dạy cho trẻ thế nào còn phụ thuộc vào câu hỏi hướng dẫn đọc của người soạn sách và cách dạy của thầy cô. Cũng truyện ấy nhưng giáo viên hướng học sinh hiểu thế nào cho đúng, cho nhân hậu, có ý nghĩa giáo dục cao là do tấm lòng, từ nhận thức, hiểu biết và tài năng sư phạm của người thầy...

PGS.TS Đ Ngc Thng