Thứ sáu, 23/7/2021, 11h21

Về lâu dài, để đối phó dịch Covid-19 phải có vắc xin

Tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch trên địa bàn TP nhưng cơ bản về lâu dài, để đối phó dịch Covid-19 đòi hỏi phải có vắc xin. TP cần tiếp tục tập trung nguồn lực, tìm nguồn cung cấp để có nhiều vắc xin tiêm cho người dân thông qua tư vấn của Nhà nước.


Toàn cảnh hội nghị trực tuyến sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16

Góp ý này được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 16/CT-TTg ngày 31-3-2020  của Thủ tướng Chính phủ, diễn ra chiều 23-7.

Xét nghiệm F0 phải có trọng điểm

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thống nhất tinh thần tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh TP cần chỉ rõ các biện pháp tăng cường trong Chỉ thị 16 một cách cụ thể để người dân nắm, chấp hành và thực hiện.

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay còn rất phức tạp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng khả năng truy vết sẽ không biết bao giờ mới kết thúc, vì thế TP cần xác định lại mục tiêu “phải truy vết F0” hay là “ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh”. Xác định lại mục tiêu bởi vì nguồn nhân lực hiện nay nếu lo cho toàn xã hội thì sẽ làm không nổi.

Đồng thời, trên bản đồ Covid-19 xác định các vùng đỏ cần test nhanh để loại trừ F0 để làm xanh lại bản đồ, nhưng thực hiện phải có trọng điểm. Các vùng xanh khi phát hiện F0 cũng nên tập trung xét nghiệm để loại trừ mầm bệnh.

Ông cũng lưu ý việc cách ly F0, F1 cần có sự phân loại trường hợp nào cách ly điều trị tại địa phương, trường hợp nào đưa vào cách ly, điều trị tại bệnh viện. Vì đưa hết vào một khu vực thì nhân lực, điều kiện của TP cũng chịu không nổi, chưa tính đến tình trạng lây nhiễm chéo.


Về lâu dài, để đối phó dịch Covid-19 cần có vắc xin

“Không nên quan niệm cứ F0 là có bệnh. Có những F0 không có triệu chứng, hoặc biểu hiện bệnh nhẹ có thể tự khỏi thì cân nhắc cách ly điều trị tại cơ sở ở địa phương. Trường hợp có triệu chứng, hoặc nặng thì đưa vào cách ly, điều trị ở tuyến bệnh viện trên. Như vậy cần tập trung phân tầng bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Muốn làm tốt thì tuyến quận, huyện phải tăng cường năng lực cho cơ sở cách ly, điều trị ở địa phương. Đây gọi là “chia lửa””,  Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói.

Theo ông, tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 là kịp thời nhưng cơ bản về lâu dài, để đối phó dịch Covid-19 phải có vắc xin. “TP cần tiếp tục tập trung nguồn lực, tìm nguồn cung cấp để có nhiều vắc xin tiêm cho người dân, có thể thông qua tư vấn của Nhà nước”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói.

Người dân ủng hộ quyết sách, phương thức chống dịch TP đang triển khai

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định TP đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao, đa số tại các khu phong tỏa. Việc thực hiện Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trên cơ sở này, ông Đức cho biết, TP tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1-8 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Theo báo cáo sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo Chỉ thị số 16 của UBND TP.HCM, TP đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân trước những quyết sách và phương thức chống dịch mà các ngành, các cấp đang triển khai. Toàn bộ hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đều tham gia vào công tác phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng ngành, có phân công, phân nhiệm rõ ràng từng đồng chí để theo dõi đánh giá kết quả thực hiện.

Trong đó, Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 đã bố trí 4.456 người, tương ứng 2.228 đội lấy mẫu tại các địa phương, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lấy mẫu. Phương thức lấy mẫu tại nhà được thay đổi nên năng lực lấy mẫu hiện nay vào khoảng 150-200 mẫu/đội/ngày, tổng công suất lấy mẫu tối đa mỗi ngày đạt 334.000 - 445.000 mẫu. Từ ngày 9-7-2021 đến nay, có 1.619.292 test xét nghiệm được thực hiện, trong đó có 1.328.046 test xét nghiệm kháng nguyên nhanh và test xét nghiệm PCR.

Về năng lực cách ly, TP có 12 khu cách ly tập trung với sức chứa 8.680 người, hiện đang cách ly 4.121 người. Bên cạnh đó, tổng số khu cách ly của quận, huyện, TP.Thủ Đức chuẩn bị mở rộng khi số F1 tăng lên với 345 khu, sức chứa dự kiến 45.094 người. Năng lực cách ly tại khách sạn do TP quản lý dành cho các đối tượng nhập cảnh với 72 khách sạn, tương ứng 5.249 buồng/phòng. Các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã vận động được 460 khách sạn đạt tiêu chuẩn thực hiện chủ trương cách ly F1 với sức chứa khoảng 17.373 phòng. Để giảm áp lực tại các khu cách ly tập trung, TP đã triển khai hướng dẫn các địa phương cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1 đủ điều kiện.

Về năng lực điều trị, công tác thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 đang được TP thực hiện theo hệ thống 5 tầng. Tầng 1, chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền tại các cơ sở trên địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức. Tầng 2 có 13 bệnh viện với 32.000 giường điều trị các trường hợp có triệu chứng, và điều trị các bệnh lý nền kèm theo. Tầng 3 có 8 bệnh viện với 3.315 giường điều trị các trường hợp có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền.

Thêm 1,2 triệu liều vắc xin Covid-19 về đến Việt Nam 

Sáng 23-7, AstraZeneca đã chuyển về TP.HCM thêm 1.228.500 liều vắc xin Covid-19. Đây là lần giao vắc xin thứ năm và cũng là lượng vắc xin lớn nhất từ trước đến nay thuộc hợp đồng của Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC với AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Hiện, hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam hơn 3,1 triệu liều, tương đương với khoảng 37% tổng lượng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trong nước. Số còn lại đến từ Cơ chế COVAX và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước.

Ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, AstraZeneca Việt Nam và các Thị trường Châu Á mới nổi cho biết: “Lượng vắc xin chuyển về trong tháng 7 cho thấy nỗ lực tăng tốc cung ứng của AstraZeneca nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho cuộc chiến chống lại đại dịch của Việt Nam. Tổng cộng đã có gần 8,6 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam, hiện chiếm 76% nguồn cung vắc xin Covid-19 trên cả nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế, WHO, UNICEF và VNVC để đưa vắc xin về Việt Nam một cách nhanh chóng và an toàn nhất có thể, để người dân sớm được trở lại cuộc sống bình thường và đoàn tụ với gia đình”.

Tầng 4 có 10 bệnh viện với 3.900 giường điều trị trường hợp nặng do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm. Tầng 5 có 4 bệnh viện với 2.000 giường có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch.

Toàn TP đang có 14.129 người tham gia chống dịch, trong đó đội ngũ y, bác sĩ của TP là 10.022 người, Trung ương và các tỉnh thành hỗ trợ 4.107 người.

Về công tác tiêm vắc xin, đến nay TP đã triển khai tiêm được 991.872 liều vắc xin, trong đó 943.251 người mũi 1 và 48.657 người mũi 2. Ở đợt tiêm lần thứ 5 đang diễn ra với 930.000 liều, đối tượng ưu tiên tiêm là người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và người mắc bệnh nền. Dự kiến mỗi phường/xã có ít nhất 2 điểm tiêm, mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày.

Ngoài những giải pháp trên, TP còn thực hiện các giải pháp sản xuất an toàn; hỗ trợ người lao động, người dân, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân; đảm bảo giao thông, an ninh trật tự; công tác thông tin tuyên truyền và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh.

Nguyễn Trinh