Thứ ba, 24/2/2015, 11h02

Về xứ Nghệ nghe dân ca ví giặm

Cũng như quan họ Bắc Ninh, hò Huế, hát xoan và hò Đồng Tháp, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được nhiều nhạc sĩ tài năng vận dụng để làm nên những tác phẩm có sức sống lâu bền trong đời sống âm nhạc. Giữa văn học dân gian với văn học bác học đã có mối lương duyên ngọt ngào đúng như đại thi hào Nguyễn Du đúc kết: “Thôn ca sơ học ma tang ngữ” (Tiếng hát nơi thôn dã giúp ta học tiếng nói của người trồng dâu trồng gai).
Năm 1969 khi niềm nhớ thương vô hạn ngày Bác Hồ ra đi chưa nguôi trong lòng mỗi người dân trên cả nước thì UBND tỉnh Nghệ An nhận được một bản nhạc chép tay của nhạc sĩ Đỗ Nhuận gửi tặng: Trông cây lại nhớ đến Người.
Khởi nguồn từ dân ca ví giặm
Qua giọng hát đầu tiên của nghệ sĩ Song Thao, bài hát băng rừng vượt suối đến với sự mong đợi náo nức của tất cả thính giả nghe đài trên cả nước. Cũng từ đó trong mỗi đêm văn nghệ dã chiến hay kỳ hội diễn quần chúng có rất nhiều giọng ca chuyên nghiệp và nghiệp dư thể hiện ca khúc này. Thành công của bài hát không chỉ ở phần nội dung mà quan trọng hơn đó là tác phẩm được viết trên nền nhạc dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Mở đầu bài hát: “À ơ… Trông cây lại nhớ đến Người, rừng bao nhiêu cây mọc thì tôi lại ơn Người bấy nhiêu…” đã được nhạc sĩ phát triển một cách khéo léo trên nền nhạc ví đò đưa - một thể loại dân ca quen thuộc thường được nghe dọc bờ sông Lam và sông La vào những đêm trăng thanh gió mát. Sau này khi trò chuyện, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho biết để có âm điệu tiết tấu mang âm hưởng dân ca ví giặm ông đã lấy bài ví Giận mà thương làm tiền đề phát triển thành ca khúc Trông cây lại nhớ đến Người.
Có một câu chuyện rất thú vị là từ trước tới nay nhiều người khi hát Giận mà thương cứ nghĩ đây là một bài dân ca lời cổ. Thực ra lại không phải như thế. Trong tài liệu nghiên cứu của mình, PGS. Ninh Viết Giao cho rằng, Giận mà thương vốn được lấy ra từ một vở nhạc kịch dân gian có tên Khi ban đội đi vắng của tác giả Nguyễn Trung Phong sáng tác năm 1967. Nhờ sự kết hợp tài tình giữa hai làn điệu hát ví và hát giặm mà bài hát đã vượt qua ranh giới 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để lan truyền đi vào lòng quần chúng như một làn điệu gốc không có tác giả.
Tuy nhiên Trông cây lại nhớ đến Người cũng chưa phải là tác phẩm mở đầu vận dụng thành công dân ca ví giặm xứ Nghệ. “Cột mốc” đầu tiên có thể kể đến bài hát Cùng nhau đi hồng binh của tác giả Đinh Nhu sáng tác ngay trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930. Chất giặm được thể hiện rõ trong lời hát theo nhịp 5-5: “Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh…”. Theo GS. âm nhạc Trần Quang Hải, ca khúc này được viết theo thang âm ngũ cung (Do, Re, Fa, Sol, La, Do) nên có thể được coi là ca khúc mở đầu của nền tân nhạc Việt Nam giống như bản Dạ cổ hoài lang “mở đường” cho đờn ca tài tử vùng đất Nam bộ. Từ đó Cùng nhau đi hồng binh trở thành ca khúc tiên phong cho các nhạc sĩ lấy âm hưởng dân ca ví giặm để phát triển thành những ca khúc đi cùng năm tháng như Đào công sự (Nguyễn Đức Toàn), Từ làng Sen (Phạm Tuyên), Neo đậu bến quê (An Thuyên), Gửi em chiếc nón bài thơ (Lê Việt Hòa), Người con gái sông La (Doãn Nho), Khúc tâm tình người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý)…
Không quên bài ca đất nước
Có một sự trùng hợp đặc biệt nhưng không phải ngẫu nhiên là hầu hết những bài hát viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều mang âm điệu dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Đây là điều không có gì bàn cãi vì chính Bác Hồ là người con của xứ Nghệ. Cũng giống như bao người dân núi Hồng sông Lam khác, ngay từ thuở ấu thơ Người đã được “hít thở” không khí trong lành của những câu hát phường vải, phường nón vào những đêm hội làng. Từ đó dân ca ví giặm đã thấm vào huyết quản để Bác yêu hơn những làn điệu dân ca quê mình. Câu chuyện hồi còn nhỏ hằng đêm cậu bé Nguyễn Sinh Cung “quần xắn gối đứng đầu sân theo phường đi nghe hát” đã được nhạc sĩ An Thuyên đưa vào tác phẩm âm nhạc: Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác chứa chất bao trăn trở trước cuộc đời: “Tuổi ấu thơ Bác đã đi/ Suốt chiều dài câu đò đưa/ Tuổi ấu thơ Bác đã sống/ Suốt chiều rộng câu dân ca. Rồi từ ấy Bác tìm đường cứu nước non…”.

Cũng vì câu hò xứ Nghệ thắm đượm tình quê mà khi được nghe giữa Mạc Tư Khoa - trái tim của nước Nga Xô Viết - nhà thơ Đỗ Quý Doãn lại một lần nữa bồi hồi và xúc động đến lạ lùng. Điều đó cũng không có gì khó hiểu vì ngay từ nhỏ cũng như bao người dân ở mọi miền quê khác, những người con xứ Nghệ được nghe mẹ ru bên nôi bằng những câu hát “gừng cay muối mặn” nghĩa tình. Điệu ví giặm lớn lên cùng với tuổi thơ và theo suốt hành trình của đời người nên gắn chặt với bao nhiêu kỷ niệm. Phải chăng từ ý thơ đắt giá của nhà thơ Đỗ Quý Doãn nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết nên ca khúc Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh ẩn chứa bao nỗi niềm nhớ thương của người con xa xứ làm lay động con tim hàng triệu người yêu nhạc.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bài hát Lời Bác dặn trước lúc đi xa của nhạc sĩ Trần Hoàn bởi vì đây là ca khúc thể hiện được sức sống mãnh liệt của các làn điệu dân ca mang nhiều ý nghĩa trong cuộc đời của một vị lãnh tụ trong đó có ví giặm Nghệ Tĩnh. Một câu chuyện có thực ngoài đời được tác giả khéo léo viết nên một tác phẩm âm nhạc đầy chất tự sự. Tình huống trong câu chuyện vừa có giá trị thực vừa có giá trị thẩm mỹ nên thật sự ấn tượng đối với người nghe: “Bác muốn nghe một câu hò ví giặm/ Bởi làng Sen day dứt trong tim”. Chỉ có những làn điệu dân ca mới phần nào xoa dịu được nỗi nhớ quê hương luôn cồn cào trong lòng người xa xứ. Các nghệ sĩ trong Đoàn văn công Nghệ An ra thủ đô biểu diễn vẫn nhớ câu chuyện Bác đã lau nước mắt khi được nghe câu hò: “Ai biết nước sông Lam răng là trong hay là đục/ Thì mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh” trong vở kịch Cô gái sông Lam. Đó cũng là chi tiết đắt giá nhiều nhạc sĩ lấy làm cảm hứng để có những sáng tác âm nhạc để đời. Bài học mà Người đã lại cho mai sau có giá trị vĩnh hằng. Yêu quê hương đất nước trước hết phải yêu dân ca vì dân ca là cội nguồn của dân tộc: “Bởi bài ca đất nước sao quên”. Những ai biết quý trọng dân ca sẽ là những người có tấm lòng yêu nước, biết trân trọng những gì tốt đẹp nhất của bề dày lịch sử văn hóa dân tộc. 
Ngày 27-11-2014 đã trở thành dấu mốc quan trọng đối với loại hình dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh khi được thế giới công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Điều đó càng khẳng định giá trị vĩnh cửu của loại hình nghệ thuật truyền thống này dù qua bao thăng trầm thời gian vẫn lung linh vẻ đẹp tiềm ẩn của nó.
Phan Ngọc Quang