Thứ tư, 5/10/2022, 11h11

Vì sao lãnh đạo không nên đánh trống khai giảng?

Trước ngày khai giảng năm học mới, tôi có viết một bài trên Facebook, đại ý rằng lãnh đạo về dự lễ khai giảng ở các trường không nên đánh trống khai giảng. Nội dung tường minh, nhiều người ủng hộ. Giờ rộ lên vụ ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đánh trống khai giảng tại Trường THPT Chí Linh vào tháng 9, thì tháng 10 bị khởi tố, bắt giam. Không phải là chuyện mê tín, nhưng việc ông bí thư bị bắt như thế gây ảnh hưởng tiêu cực tới Trường THPT Chí Linh và cả ngành giáo dục địa phương. Bởi tiếng trống có ý nghĩa như hiệu lệnh mở màn cho “trận đánh” giáo dục; nay ông “tư lệnh” bị bắt, thì rất dở.

Về nguyên tắc, lãnh đạo dù là cao cấp, cũng chỉ là khách mời, không phải là thành phần “cứng” của lễ khai giảng. Với nguyên lý học sinh là trung tâm, thì các em học sinh mới là nhân vật chính của lễ khai giảng. Nếu coi khai giảng là một buổi lễ, nghi lễ, thì chủ lễ chính là hiệu trưởng nhà trường. Việc đánh trống khai giảng là một nghi thức khởi đầu cho năm học mới, là nhiệm vụ - trọng trách của vị “tư lệnh” nhà trường, chính là hiệu trưởng. Ông là người chỉ huy, người giám sát và chịu trách nhiệm đưa “đoàn quân/con thuyền” nhà trường đến bến bờ thắng lợi. Cần phải thấu thiệt nguyên tắc này để hiểu rõ vì sao phải là hiệu trưởng nhà trường đánh trống. Nếu để lãnh đạo đánh trống thì chẳng khác gì một cách nịnh khéo mà không ít ý kiến dư luận không đồng tình. Thiết nghĩ, các vị lãnh đạo sau này nếu được mời đánh trống khai giảng thì nên lịch sự từ chối, giao trọng trách, vinh dự đó cho hiệu trưởng nhà trường.

Trn Quang Đi (Ngh An)