Thứ bảy, 3/6/2023, 15h58

Vì sao nhu cầu tuyển dụng một số ngành nghề sụt giảm?

Trong 4 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm trung bình 18%, lĩnh vực giảm sâu nhất lên đến 43% so với thời điểm thị trường ổn định trước dịch.

Theo báo cáo, nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch; và giảm trung bình 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022).

Vì sao nhu cầu tuyển dụng một số ngành nghề sụt giảm? - Ảnh 1.

Nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn giảm sút trong 4 tháng đầu năm 2023. MỸ QUYÊN

Du lịch, nhà hàng, khách sạn giảm sâu nhất

Chuyên gia của Navigos Group cho rằng du lịch, nhà hàng, khách sạn được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch Covid-19. 

Trong 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của lĩnh vực này giảm sâu đến 55% so với thời điểm bình ổn trước dịch. Còn trong 4 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ sụt giảm là 43%, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực.

Lĩnh vực dệt may và da giày đứng thứ 2, với tỷ lệ sụt giảm 39% do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Lạm phát tại các thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế đều tăng cao đã tác động lên sức mua, đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp.

Xây dựng và bất động sản giảm sút 34%, theo đại diện Navigos Group, nguyên nhân đến từ tác động của các chính sách nhà nước khi có sự thắt chặt về tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.

Với công nghệ thông tin, nhu cầu tuyển dụng 4 tháng đầu năm nay giảm sút 20% dù lĩnh vực này luôn được xem là xu hướng của Việt Nam và toàn thế giới. Nguyên nhân cũng được nhận định là do ảnh hưởng của suy thoái từ biến động kinh tế thế giới từ năm 2022 đến nay.

Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực ngân hàng dịch vụ tài chính lại tăng trưởng 10% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19. "Sự tăng này đến từ xu hướng toàn ngành về chuyển đổi số, phát triển ngân hàng bán lẻ, tăng thu nhập dịch vụ, đa dạng hệ sinh thái và bùng nổ xu hướng đầu tư trên các kênh điện tử. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này còn thấp so với đầu năm 2022. Dự báo lĩnh vực này sẽ vẫn gặp nhiều thách thức trong năm 2023", đại diện Navigos Group nhận định.

Nhiều doanh nghiệp sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023

Theo báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, làn sóng sa thải người lao động có thể sẽ còn tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do doanh nghiệp khó khăn. Khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

Navigos Group dự báo cho đến khi nền kinh thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, các doanh nghiệp sẽ cố gắng thực hiện những biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự hoặc có thể sẽ càng thắt chặt thêm nếu tình hình trở nên tệ hơn. Như vậy, nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới có thể sẽ chưa có gì đột phá.

Theo Mỹ Quyên/TNO