Thứ hai, 3/10/2022, 10h47

Vì sao sinh viên ‘chật vật’ với chuẩn tiếng Anh đầu ra?

Ngoài môn chuyên ngành, sinh viên trong những năm cuối đại học lo ngại không thể có được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đủ điểm để được xét tốt nghiệp.

Bối rối trong việc sắp xếp thời gian học tiếng Anh

Một trong những điều kiện xét tốt nghiệp của các trường ĐH là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEIC, IELTS, TOEFL. Điều này dẫn đến áp lực không nhỏ cho nhiều sinh viên, khi ngoại ngữ không phải là thế mạnh.

Trong số đó, Lê Huyền Trân (20 tuổi, sinh viên chuyên ngành diễn viên Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM) đang chật vật ôn tập tiếng Anh với hy vọng đạt đủ điều kiện xét tốt nghiệp mà nhà trường đưa ra là IELTS 6.0.

Vì sao sinh viên ‘chật vật’ với chuẩn tiếng Anh đầu ra? - ảnh 1

Một lớp luyện thi IELTS tại TP.HCM. ẢNH MINH HỌA MINH TRÍ

“Đối với tôi, đây là số điểm cao và tạo áp lực không hề nhỏ để được xét tốt nghiệp ra trường. Bản thân tôi học yếu tiếng Anh và mang tâm lý sợ môn này và vẫn chưa chưa tìm ra phương pháp học hiệu quả. Trong những năm cuối ở ĐH, lịch học dày đặc hơn nên cũng chưa biết phải xoay trở việc học tiếng Anh như thế nào”, Huyền Trân chia sẻ.

Tương tự, Phạm Nguyễn Phương Quỳnh (20 tuổi, sinh viên chuyên ngành quản lý nguồn nhân lực Trường ĐH Lao động-Xã hội, CSII) chia sẻ: “Tôi cảm thấy ‘hơi đuối’ vì chứng chỉ TOEIC chỉ có giá trị hai năm nên phải chọn thời điểm thích hợp để thi. Thời điểm thi tốt nhất là trong giai đoạn tôi vào năm 3 và 4 vì nếu thi sớm hơn thì chứng chỉ hết giá trị”.

Tuy nhiên, trong 2 năm cuối, nữ sinh viên chia sẻ còn phải học, thi các môn chuyên ngành khá căng thẳng và đi thực tập, chưa kể phải đi làm thêm, nên lo ngại không đủ thời gian ôn luyện dẫn đến thi không đủ điểm TOEIC để được xét tốt nghiệp.

Phương Quỳnh cũng như các sinh viên kể trên cho biết họ chọn cách tự học tiếng Anh và tự luyện thi các chứng chỉ quốc tế để tiết kiệm chi phí. “Tuy nhiên, đôi lúc tôi như mất hết năng lượng học tiếng Anh, phần vì lịch học “dày đặc” trên trường, phần lại vừa trở về từ chỗ làm thêm”, Phương Quỳnh nói.

Không có nhiều cơ hội thực hành và sử dụng tiếng Anh, Mạnh Quốc Quân (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công Nghệ TP.HCM) chia sẻ bí quyết: “Tôi chủ yếu luyện tiếng Anh bằng cách nghe và đọc từ vựng trên các ứng dụng, xem phim không phụ đề để cải thiện kỹ năng nghe. Tôi nghĩ mình sẽ tập trung giải đề thi thử trước khi đăng ký thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Mục tiêu của tôi là TOEIC 450 hoặc IELTS 4.5 mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp".

Trong khi đó, cũng có những sinh viên chọn đăng ký luyện thi chứng chỉ quốc tế tại các trung tâm ngoại ngữ. Tiền học phí luyện thi trung tâm cộng với lệ phí thi các chứng chỉ quốc tế (chưa kể thi chưa đạt phải thi lại) cũng tạo áp lực tài chính đáng kể đối với sinh viên. Tuy nhiên, nếu không có chứng chỉ quốc tế thì sinh viên sẽ bị "giam" bằng tốt nghiệp.

Cần có lộ trình trau dồi tiếng Anh từ năm nhất

Về tình hình học tiếng Anh hiện nay của sinh viên, cô Đỗ Thị Thu Trang, giảng viên khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng việc phân chia lớp theo trình độ ngoại ngữ đầu vào dẫn đến sự khác biệt khá rõ giữa các lớp.

“Lớp có sinh viên với năng lực ngoại ngữ tốt sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức và nhận được điểm đánh giá khá-tốt. Tuy nhiên, với lớp có trình độ trung bình, việc hổng kiến thức xảy ra nhiều nên các bạn tương đối vất vả khi tiếp cận khối kiến thức ở đại học”, cô Trang chia sẻ.

Vì sao sinh viên ‘chật vật’ với chuẩn tiếng Anh đầu ra? - ảnh 2

Sinh viên cần có kế hoạch học tập cụ thể từ năm nhất để đảm bảo chuẩn ngoại ngữ đầu ra trước khi xét tốt nghiệp. ẢNH MINH HỌA ĐÀO NGỌC THẠCH

Trước thực tế phân chia trình độ như trên, cô Trang nói thêm: “Sinh viên đã có chứng chỉ tiếng Anh thì việc xét tốt nghiệp khá dễ dàng. Trong khi đó, có nhiều em chưa đánh giá được trình độ tiếng Anh để lên kế hoạch và lộ trình ôn luyện thích hợp”.

Theo cô Thu Trang, lộ trình ôn luyện tiếng Anh của sinh viên nên bắt đầu từ việc đánh giá chính xác trình độ ngoại ngữ, bằng cách thi thử trên các website chính thống để tránh tâm lý buông xuôi hoặc hoảng loạn.

“Sinh viên nên xây dựng lộ trình học tiếng Anh cụ thể ngay từ năm thứ nhất đại học để chinh phục một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Sau đó, các em có thể tham vấn lộ trình ôn luyện tại trung tâm ngoại ngữ hoặc tham khảo ý kiến của giảng viên. Việc chinh phục một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không thể đạt được trong ‘một sớm, một chiều’ mà cần có thời gian. Bên cạnh lộ trình phù hợp, điều quan trọng không kém là quyết tâm của bản thân, không bỏ cuộc giữa chừng”, cô Trang đưa ra lời khuyên.

Yêu cầu chuẩn đầu ra để đáp ứng đòi hỏi của thị trường tuyển dụng

Cô Đỗ Thị Thu Trang nhận thấy việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ, được đánh giá qua chuẩn đầu ra, là một trong những yêu cầu tối thiểu đối với người lao động trong thời kỳ hội nhập.

“Áp dụng chuẩn đầu ra để xét tốt nghiệp ĐH được xem là một trong những cách để nhà trường, nhà tuyển dụng và sinh viên có thêm một kênh đánh giá năng lực, nhằm đảm bảo khả năng đáp ứng các đòi hỏi của thị trường tuyển dụng và môi trường làm việc trong tương lai”, cô Trang cho biết.

Theo Như Mai - Thành Công/TNO