Thứ năm, 18/5/2023, 11h26

Vì sao thành phố New York "đại tu" chương trình giảng dạy?

Trước thực trạng hàng nghìn trẻ em phải vật vã để thành thạo kỹ năng đọc, quan chức thành phố New York vừa công bố những thay đổi lớn trong chương trình giảng dạy được áp dụng từ năm học sau.

Tờ The New York Times dẫn lời ông David C. Banks, Giám đốc Sở Giáo dục New York, nói trong hai thập niên qua, hàng trăm trường công lập tại thành phố đã triển khai chương trình giảng dạy sai lầm, dẫn đến hậu quả khoảng một nửa trẻ em từ lớp 3 đến lớp 8 không thông thạo kỹ năng đọc.

Cụ thể, 51% học sinh New York không đọc thành thạo và tỷ lệ này còn tệ hơn đối với học sinh dân tộc thiểu số hoặc thuộc gia đình có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, 64% học sinh da màu trượt bài kiểm tra đọc và con số này với trẻ em gốc Tây Ban Nha là 63%.

Để giải quyết vấn đề dai dẳng trên, ông Banks hôm 9.5 công bố cải cách phương pháp dạy đọc ở khoảng 700 trường tiểu học và buộc học khu lớn nhất nước Mỹ phải thực hiện chương trình thống nhất mới. Động thái này được xem là cuộc "đại tu" quan trọng nhất về phương pháp dạy đọc ở New York kể từ những năm 2000, theo CBS News.

Học khu lớn nhất nước Mỹ đại tu chương trình giảng dạy - Ảnh 1.

Sở Giáo dục New York quyết tâm nâng cao kỹ năng đọc của học sinh

Cụ thể, chương trình mới sẽ tập trung vào đánh vần (phonics-based), tức dạy trẻ cách phát âm các từ, thay vì dựa vào việc sử dụng hình ảnh như trước đây. Điều này sẽ khiến cách dạy đọc ở các trường công lập New York thay đổi từ một hệ thống dạy trẻ em sử dụng các manh mối, gợi ý bằng hình ảnh để đoán từ chuyển sang việc đào tạo học sinh "giải mã" các chữ cái.

Ông Banks cho hay sẽ có 3 chương trình mới được triển khai, lần lượt là Wit & Wisdom, Expeditionary Learning và Into Reading. Các trường trong học khu phải tự chọn một chương trình phù hợp thay vì được quyền tự quyết như trước đây.

Cũng theo ông Banks, chương trình mới được thực hiện theo từng giai đoạn trong vòng 2 năm tới, với mục tiêu mỗi trường có hơn 85% học sinh đọc thành thạo. Đây là ngưỡng chỉ khoảng 20 trường trong thành phố hiện tại có thể đáp ứng.

Giám đốc Sở Giáo dục New York cũng kỳ vọng đây sẽ là lần thay đổi cuối cùng để thống nhất phương pháp dạy đọc. "Trước đây, nhiều giáo viên đã phải dành lượng lớn thời gian tìm kiếm, thậm chí phải tự soạn tài liệu để lấp đầy những khoảng trống trong chương trình giảng dạy. Như vậy, nếu trẻ em phải thường xuyên thay đổi trường học, việc học của các em cũng có thể gặp khó khi mỗi trường dùng một phương pháp giảng dạy khác nhau", ông Banks lý giải.

Những thử thách

Theo The New York Times, quyết định "đại tu" của New York đang gây tranh cãi. Tờ báo cho rằng chính quyền thành phố cần xoa dịu sự thất vọng của nhiều lãnh đạo trường học, cũng như tìm cách "giải quyết" niềm tin mãnh liệt của một số hiệu trưởng đối với chương trình giảng dạy mà trường họ đang áp dụng. Chẳng hạn, một hiệu trưởng giấu tên ở Brooklyn cho biết việc triển khai chương trình mới khiến họ mất tinh thần vì trường đang đạt kết quả tốt từ chương trình hiện hữu.

Ông Henry Rubio, người đứng đầu hiệp hội hiệu trưởng, dẫn lại kết quả khảo sát gần đây cho thấy các lãnh đạo trường học bày tỏ "sự không hài lòng" với kế hoạch sắp triển khai của thành phố. Ông Rubio đồng thời tuyên bố việc bắt buộc áp dụng một chương trình giảng dạy duy nhất trong một học khu là "không có cơ sở sư phạm".

Học khu lớn nhất nước Mỹ đại tu chương trình giảng dạy - Ảnh 2.

Trong hai thập niên qua, hàng ngàn trẻ em New York được cho là không thông thạo kỹ năng đọc

Mặt khác, dù chương trình mới được hiệp hội giáo viên ủng hộ nhưng các thầy cô tỏ vẻ hoài nghi. Cụ thể, giáo viên lo ngại họ không được đào tạo đầy đủ trong quá trình thay đổi chương trình.

Đáp lại, Giám đốc Sở Giáo dục New York thông báo quá trình đào tạo giáo viên về các chương trình mới đã bắt đầu từ tuần thứ 2 của tháng 5 và sẽ tiếp tục trong suốt mùa hè và cả trong năm học tới.

Hậu quả của đọc kém

Theo ông David C. Banks, việc không thông thạo kỹ năng đọc từ nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Những đứa trẻ không thể đọc tốt khi học lớp 3 có nhiều khả năng nghỉ học ở bậc THPT, sống trong cảnh nghèo khó và có nguy cơ phạm tội khi trưởng thành. Một số liệu cụ thể là 70% người trưởng thành bị cảnh sát bắt giữ có khả năng đọc dưới lớp 4.

Ông Banks cũng cho biết New York không phải là thành phố duy nhất tại Mỹ đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng này. Tại TP.Detroit, 91% học sinh các cấp cũng không thông thạo kỹ năng đọc, còn ở TP.Chicago, con số này là 80%.

Theo Ngọc Long/TNO