Thứ sáu, 18/6/2021, 10h02

Vì sao thời tiết nắng nóng kỷ lục thiêu đốt khắp thế giới?

Thời tiết đầu hè với cái nóng kỷ lục thiêu đốt nhiều quốc gia ở khắp Bắc bán cầu có nguyên nhân từ "vòm nhiệt".
Nắng nóng đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam.
Theo tờ SciTech Daily, một hiện tượng được gọi là "vòm nhiệt" đã tạo tiền đề cho nhiệt độ cao đáng kể khi mùa hè khí tượng đang diễn ra.
Khi mùa hè khí tượng vừa diễn ra, một số khu vực ở Bắc bán cầu đã cảm thấy nắng nóng vào đầu tháng 6 năm 2021. Đặc biệt, cái nóng đầu mùa đã thiêu đốt các quốc gia trên khắp Trung Đông, Mỹ và Châu Âu.
Bản đồ dưới đây hiển thị nhiệt độ không khí ở khu vực Trung Đông vào ngày 6.6.2021. Bản đồ được lấy từ mô hình Hệ thống quan sát Trái đất Goddard (GEOS) và mô tả nhiệt độ không khí ở độ cao 2 mét so với mặt đất. Các khu vực màu đỏ đậm nhất là nơi mô hình hiển thị nhiệt độ khoảng 50 độ C.
Nhiệt độ tăng cao ở nhiều nước Trung Đông.
Mô hình GEOS, giống như tất cả các mô hình thời tiết và khí hậu, sử dụng các phương trình toán học đại diện cho các quá trình vật lý (chẳng hạn như quá trình mưa và đám mây) để tính toán khí quyển sẽ hoạt động như thế nào. Các phép đo thực tế về các đặc tính vật lý, như nhiệt độ, độ ẩm và gió, thường xuyên được đưa vào mô hình để giữ cho mô phỏng gần với thực tế quan sát nhất có thể.
Các trạm mặt đất địa phương đã ghi nhận nhiệt độ leo trên mốc 50 độ C ở ít nhất bốn quốc gia Trung Đông, bao gồm Iran, Kuwait, Oman và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Theo dự báo thời tiết, Sweihan ở UAE đạt 51,8 độ C vào ngày 6.6, là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong tháng 6 của quốc gia này. Các quốc gia ở Trung và Nam Á cũng được báo cáo là đã chứng kiến ​​nhiệt độ cao bất thường trong năm.
Các nhà khí tượng học tại The Washington Post báo cáo rằng sóng nhiệt là kết quả của một "mái vòm nhiệt". Hiện tượng xảy ra khi áp suất cao ở tầng giữa đến tầng cao của bầu khí quyển hoạt động như một cái nắp, giữ không khí nóng khi nó bay lên và đẩy nó trở lại bề mặt để nóng hơn nữa.
Hiện tượng đáng chú ý đã xảy ra khiến nhiệt độ trên khắp Trung Đông tăng vọt vào tháng 7 và tháng 8.2015. Đợt nắng nóng năm nay diễn ra khoảng một tháng trước khi nhiệt độ nóng nhất của mùa hè thường đến.
Cũng trong tháng 6, Mỹ và Châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Tính đến ngày 17.6, đợt nắng nóng ở hầu hết khu vực miền Tây nước Mỹ đã bước sang ngày thứ 3 với nền nhiệt ghi nhận ở các mức cao kỷ lục, như Salt Lake của bang Utah, nhiệt độ đo được trong ngày 15.6 lên tới 42 độ C.
Các nhà khí tượng học cho hay đợt nắng nóng bất thường ở Mỹ vào cuối mùa xuân là do áp suất cao hình thành trên các sa mạc phía tây nam.
Trong khi đó, nhiều nước ở Châu Âu nhiệt độ cũng tăng đến mức kỷ lục kể từ năm 2019 trong tuần này.
Bản đồ nhiệt độ ở Mỹ ngày 15.6
Diễn đàn Triển vọng Khí hậu ASEAN (ASEANCOF) đã đưa ra dự báo theo mùa cho khu vực Đông Nam Á từ tháng 6 đến tháng 8.2021. Nhiệt độ trên mức trung bình được dự báo trên khu vực Đông Nam Á trong khoảng thời gian này. Các khu vực có khả năng có nhiệt độ trên mức bình thường cao nhất bao gồm miền Trung Myanmar, Malaysia, Singapore và miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Ở Việt Nam, đợt nắng nóng đang diễn ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ cũng được đánh giá là một trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất của năm 2021. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C trong ngày 18.6.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung còn xuất hiện nhiều trong khoảng từ nay đến tháng 8. Ở Bắc Bộ, nắng nóng mạnh, gay gắt tập trung ở các tháng 6-7, Trung Bộ thì nắng nóng và nắng nóng gay gắt còn có thể kéo dài sang cả tháng 8.
SONG MINH (theo laodong)