Thứ hai, 11/1/2021, 14h29

Việt Nam tăng 7 bậc trên bản đồ mắc ung thư của thế giới

Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR) vừa công bố cho thấy Việt Nam tăng 7 bậc trong bảng xếp hạng nguy cơ ung thư trên thế giới.
 
Biểu đồ tỷ lệ ung thư (trên mỗi 100.000 dân) của các quốc gia trên thế giới
Biểu đồ tỷ lệ ung thư (trên mỗi 100.000 dân) của các quốc gia trên thế giới

Số liệu về tình hình ung thư trên thế giới do IACR công bố bao gồm mọi loại ung thư, được hiệu chỉnh theo độ tuổi, giới tính của người dân tại 185 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020. Đây là báo cáo được cập nhật 2 năm một lần.

So với năm 2018, thế giới ghi nhận thêm hơn 2 triệu ca mắc mới ung thư, lên gần 19,3 triệu ca. Riêng số ca tử vong tăng từ 9,6 triệu ca (năm 2018) lên 9,96 triệu ca ( năm 2020). Cơ quan này ước tính rằng trên toàn cầu, cứ 5 người thì có 1 người bị ung thư; trong đó nam giới bị bệnh sẽ có 1/8 ca và 1/11 phụ nữ qua đời vì căn bệnh này.

Những ước tính mới này cho thấy rằng hơn 50 triệu người vẫn đang sống chung với ung thư, 5 năm sau khi được chẩn đoán lần đầu. Dân số già trên toàn cầu và các yếu tố rủi ro kinh tế xã hội vẫn là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng chung về tỷ lệ mắc ung thư.

Ung thư vú đại diện cho 1/4 ca ung thư được chẩn đoán ở phụ nữ trên toàn cầu. Ung thư đại trực tràng, phổi, cổ tử cung và tuyến giáp cũng phổ biến ở phụ nữ.  Trong khi đó, ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt là 2 dạng phổ biến nhất ở nam giới, chiếm gần 1/3 tổng số ca ung thư ở nam giới.

Tỷ lệ ung thư ở nữ trên thế giới
Tỷ lệ ung thư ở nữ trên thế giới

Theo Hiệp hội phòng chống ung thư quốc tế (UICC), năm 2020 cũng đánh dấu lần đầu tiên, ung thư vú ở phụ nữ trở thành bệnh ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất, vượt qua cả ung thư phổi, đặc biệt do tỷ lệ hiện mắc cao ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Ung thư phổi vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với ở khắp các nước. Bên cạnh đó, thế giới tiếp tục có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ ung thư giữa các quốc gia có thu nhập cao hơn và thu nhập thấp hơn.

10 quốc gia có tỷ lệ mắc mới ung thư cao nhất đều là những nước phát triển, bao gồm: Úc, New Zealand, Ireland, Mỹ, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Canada, Pháp và Hungary.

Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất (285/100.000 dân), xếp vị trí thứ 27; đứng thứ 2 là Hàn Quốc (243/100.000 dân), xếp vị trí 44; Singapore xếp thứ 49 thế giới (233/100.000), Trung Quốc với tỷ lệ 205/100.000 xếp thứ 65 thế giới.

Việt Nam xếp vị trí 92/185 quốc gia vùng lãnh thổ, với tỷ lệ mắc 159,7/100.000 dân, xếp 16 châu Á, đứng thứ 6 Đông Nam Á. Như vậy so với năm 2018, Việt Nam tăng 7 bậc trên bản đồ ung thư của các nước trên thế giới.

Theo thống kê của WHO vào năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 182.500 ca ung thư mới, 122.690 ca tử vong trên tổng số 97,3 triệu dân. Cả nước đang còn 353.000 bệnh nhân sống chung với ung thư. 

Tỷ lệ ung thư ở nam trên thế giới
Tỷ lệ ung thư ở nam trên thế giới

Báo cáo GLOBOCAN 2020 do Hiệp hội phòng chống ung thư quốc tế thực hiện từ số liệu của IACR dự đoán rằng: các quốc gia được phân loại với "Chỉ số phát triển con người (HDI) thấp hoặc trung bình" sẽ có mức tăng tương đối lớn nhất về tỷ lệ mắc bệnh ung thư vào năm 2040. Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 28,4 triệu ca ung thư mới được dự báo xuất hiện vào năm 2040.

Tiến sĩ Freddie Bray - Trưởng Bộ phận Giám sát Ung thư tại IARC  - nhận định: “Những thay đổi liên tục về cấu trúc dân số, môi trường mà mọi người sống và khả năng hệ thống y tế thực hiện các can thiệp kiểm soát ung thư hiệu quả sẽ cùng nhau tác động đến tỷ lệ mắc bệnh ung thư, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ phổ biến của căn bệnh trong những thập kỷ tới”.

Cuối cùng, IARC muốn thu hút sự chú ý đến tình trạng thiếu dữ liệu ở một số quốc gia nhất định và nhấn mạnh sự cần thiết của việc đăng ký dữ liệu ung thư tốt hơn. Ví dụ, Tạp chí Ung thư Quốc tế báo cáo trong bài viết "Tiến bộ, thách thức và cách thức hỗ trợ giám sát ung thư ở Mỹ Latinh", rằng dưới 3% và 10% dân số tương ứng của Trung Mỹ và Nam Mỹ được theo dõi, tầm soát ung thư.

Ngọc Hạ/PNO (theo UICC, GCO.IARC)