Thứ năm, 12/5/2022, 15h54

Viết tiếp bài Nỗi buồn sau kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (trang 12, ngày 4-5): Mục tiêu thi học sinh giỏi là gì?

Vừa rồi, tôi đến dự thôi nôi cháu nội của một người bạn. T., con trai của anh bạn tôi một thời là niềm tự hào của gia đình và là tấm gương về học tập mà nhóm bạn chúng tôi thường đem ra để khuyến khích con cái mình học hành.


Theo tác gi, đã đến lúc ngành giáo dc cn xác đnh li mc tiêu thi hc sinh gii các cp là gì? (nh minh ha). Ảnh: M.Tâm

Cháu T. có năng khiếu toán từ nhỏ. Ở tiểu học, cháu đã đạt học sinh giỏi toán cấp thành phố (trước đây ở tiểu học vẫn tổ chức thi học sinh giỏi môn toán và tiếng Việt cho học sinh lớp 5). Đương nhiên, lên THCS và THPT, cháu đều vào trường chuyên và miệt mài với nhiều kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Tôi thật sự khâm phục vợ chồng bạn vì anh chị luôn đồng hành bên con trai trong việc học hành. Thầy giỏi ở đâu, anh chị cũng tìm đến cho con đi học thêm. Sách hay ở đâu có, anh chị cũng kiếm mua bằng được để con luyện thêm. Vợ chồng anh đưa rước T. đi học sáng - chiều - tối, rồi chăm lo sức khỏe, thức cùng con mỗi khi con học… Vợ chồng anh dường như dành mọi công sức và tiền bạc cho việc học của con. Tôi cũng công nhận sự kiên trì, chăm chỉ của T., bởi cháu dường như học ngày, học đêm mỗi ngày. Trước mỗi đợt thi học sinh giỏi, T. càng tăng giờ học và bơ phờ hơn dù vợ chồng anh bạn luôn chú ý chăm sóc sức khỏe cho con. Với những nỗ lực của mình, các thành tích T. đạt được thật đáng nể. Phòng học của T. treo đầy giấy khen, bằng khen, huy chương… Thầy cô giáo và bạn bè đều luôn tự hào về T. Và đương nhiên, thành quả T. đạt được không thể thiếu trong các báo cáo thành tích của lớp, của trường cháu học. Vào ĐH, T. chọn ngành nghề mình thích. Vậy là T. vẫn phải thi như những học sinh bình thường khác. Thật bất ngờ khi T. và cháu tôi lại vào cùng một trường ĐH, học cùng một ngành. Nếu so sánh việc học của T. và cháu tôi thì thật sự là “một trời, một vực”. Cháu tôi học trường thường, lớp thường. Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ cháu tôi đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Hai học sinh có xuất phát điểm hoàn toàn khác nhau vậy mà có cùng… một điểm đến. Khi vào ĐH, T. học có vẻ “đuối” hơn cháu tôi. Có lần, tôi hỏi cháu tôi là: “Ở ĐH sao T. học không xuất sắc như các năm học phổ thông vậy?”. Cháu tôi trả lời rằng, T. chỉ giỏi toán, còn các môn học khác rất bình thường. Có lẽ suốt một thời gian dài T. chỉ biết đến toán và quen với cách học toán, còn các môn khác T. tiếp thu hơi chậm.

Hôm thôi nôi, khi nựng cháu bé con của T., tôi có nói vui với cháu là: “Con hơn cha là nhà có phúc! Lớn lên con phải học giỏi và đạt nhiều thành tích hơn ba T. nha!”. Nghe tôi nói thế, T. cười và trả lời: “Chắc chắn là cháu sẽ không học lớp chọn, trường chuyên và miệt mài đi thi học sinh giỏi như ba cháu đâu. Vô ích lắm, chú ơi!”. Anh bạn tôi ngồi cạnh nghe con mình nói thế đã nhìn T. với vẻ buồn buồn. T., một học sinh giỏi đã đem lại niềm tự hào cho cha mẹ, thầy cô, bạn bè trong suốt những năm học phổ thông, giờ đây đã đúc kết một từ “vô ích” về những kỳ thi học sinh giỏi mà mình đã trải qua, thật xót xa!

Phải chăng mục tiêu thi học sinh giỏi các cấp trong suốt thời gian qua chỉ là đạt thành tích để bản thân, gia đình tự hào khoe với mọi người, để nhà trường báo cáo thành tích mà không có giá trị trong thực tế cuộc sống? Vậy thì thi học sinh giỏi để làm gì? Đã đến lúc ngành giáo dục cần xác định lại mục tiêu thi học sinh giỏi của học sinh phổ thông là gì?

Lê Phương Trí