Thứ ba, 23/4/2019, 23h07

Xây dựng chương trình đào tạo: Phải đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao quyết định bổ nhiệm

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng ĐH và Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra ngày 23-4 tại Đà Nẵng.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chúc mừng và trao quyết định bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng ĐH nhiệm kỳ 2018-2023; trao các quyết định bổ nhiệm lại PGS.TS Ngô Văn Dưỡng và bổ nhiệm PGS.TS Lê Thành Bắc - Chánh văn phòng ĐH Đà Nẵng và PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhiệm kỳ 2018-2023.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ĐH Đà Nẵng, các cơ sở GD ĐH thành viên trong sự nghiệp đổi mới GD-ĐT ở khu vực ĐH: tỉ lệ SV tốt nghiệp ra trường có việc làm của ĐH Đà Nẵng cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình của cả nước (88%); các trường thành viên chú trọng hội nhập quốc tế và kiểm định chất lượng - với 12 chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế, 4 trường ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng GD…

Bộ trưởng lưu ý, trong thời gian tới ĐH Đà Nẵng cần sớm rà soát các nội dung theo chỉ đạo của Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ đối với sự phát triển của ĐH Đà Nẵng, để định hướng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu đô thị ĐH Đà Nẵng. Cần tập trung hoàn chỉnh Đề án phát triển tổng thể ĐH Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đề án thực chất là chiến lược phát triển nên những mục tiêu trong đề án phải khớp nhau; trong đó, phải có kế hoạch cho từng 5 năm, kế hoạch chi tiết của từng năm và phải tính đến điều kiện thực hiện.

Về mô hình ĐH hai cấp, Bộ trưởng cho biết, từ thành tựu của hai ĐH Quốc gia và 3 ĐH vùng trong đào tạo nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế… cho thấy đây là mô hình hợp lý. Nhưng cùng với sự phát triển của các cơ sở GD ĐH thành viên trong hệ thống thì cần có sự điều chỉnh. Những đơn vị nào khẳng định được rồi thì tăng cường tự chủ, các trường thành viên vào ĐH thì cần phải có điều kiện phát triển tốt hơn là một trường ĐH đơn lẻ để cùng nhau xây dựng sức mạnh của hệ thống chung. Cơ quan ĐH vùng cũng cần phải tạo động lực cho các trường thành viên khơi thông được sự sáng tạo.

Bộ trưởng cũng lưu ý: “ĐH Đà Nẵng phải hình dung 5 năm, 10 năm sau, cơ cấu nguồn nhân lực của khu vực sẽ như thế nào để có thể xây dựng chương trình đào tạo, mở ngành tuyển sinh, định hướng nghiên cứu khoa học, đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực của xã hội. Nghiên cứu khoa học phải đặt vào môi trường đổi mới sáng tạo, phải chú trọng đến chỉ số thực tế và địa chỉ ứng dụng”.

Vĩnh Yên