Thứ hai, 1/7/2013, 11h07

11 tuyến đường tiếp tục ngập trong năm 2013

ThS. Đỗ Tấn Long
“Tính đến thời điểm mùa mưa năm nay, toàn TP hiện còn 18 tuyến đường ngập, tập trung chủ yếu ở các Q.Thủ Đức, Q.5, Q.Bình Thạnh... Trong đó 7 tuyến sẽ được giải quyết, khắc phục ngay trong năm. Theo kế hoạch, đến năm 2015, tình trạng ngập úng của TP cơ bản sẽ được khống chế hoàn toàn” - ThS. Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM - đã khẳng định với Giáo Dục TP.HCM như thế!
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ThS. Đỗ Tấn Long sau nhiều trận mưa kéo dài gây ngập úng nặng và ách tắc tại nhiều tuyến đường trong TP như Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Bình), Lũy Bán Bích (Q.6)…
PV: Những trận mưa to, cụ thể như cơn mưa chiều ngày 22-6 gây ngập nhiều tuyến đường, có không ít ý kiến của người dân thắc mắc là tại sao tình trạng ngập úng đã nhiều năm mà vẫn không được cải thiện?
Trước hết, tôi xin khẳng định là tình trạng ngập úng của TP đã được cải thiện rất nhiều. Cụ thể, năm 2009 toàn TP có đến 128 tuyến ngập, đến đầu năm 2010 còn 96 tuyến và đến năm nay, con số chỉ còn là 18 tuyến ngập. Người dân thấy vẫn ngập là do mỗi năm kế hoạch chỉ giải quyết một số điểm nhất định. Như trong năm nay, trong 18 tuyến ngập thì sẽ giải quyết dứt điểm 7 tuyến: Trần Hưng Đạo, Dương Tử Giang (Q.5); Tân Hòa Hưng (Q.6, Q.Thủ Đức); Hồng Bàng, Phạm Đình Hổ (Q.6); Tôn Thất Hiệp (Q.11) và Gò Dưa (Q.Thủ Đức).
Nhưng thưa ông, một số tuyến đường ở Q.Tân Bình, Q.Bình Thạnh trong mùa mưa năm nay bỗng nhiên trở nên ngập nặng mỗi khi có mưa kéo dài trên 1 giờ là do đâu? Và phía trung tâm có cách khắc phục nào không?

Nhiều tuyến đường TP.HCM bị ngập úng sau cơn mưa kéo dài ngày 22-6. Ảnh: T.L
Q.Tân Bình thực ra là đã hết ngập mà chỉ là tái ngập ở một số tuyến đường như Bàu Cát, Đồng Đen, Nguyễn Hồng Đào, Âu Cơ, Tân Kỳ Tân Quý… do công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Bàu Cát - Lò Gốm đang thi công, làm thu hẹp dòng chảy, gây ứ nước. Trung tâm đã thường xuyên nhắc nhở chủ đầu tư công trình đẩy nhanh tiến độ, tăng khẩu độ dòng chảy, tăng cường bơm nước và tiến hành xe nước qua các khu vực khác như đường Cách Mạng Tháng Tám. Ở Q.Bình Thạnh có tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, ngập sâu nhất là đoạn trước tòa nhà The Manor do đường bị lún dẫn đến hệ thống cống dẫn nước cũng bị lún theo. Trung tâm đã kiến nghị UBND TP nâng cấp tuyến đường bị lún để cải thiện tình hình. Bên cạnh đó, còn một số tuyến đường tái ngập: Xa lộ Hà Nội (đoạn qua cầu Rạch Chiếc), Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), Lê Thị Hoa, Gò Dưa, Tỉnh lộ 43 (Q.Thủ Đức) cũng do chặn dòng thi công mà không có biện pháp xử lý dứt điểm.
Ngoài nguyên nhân là do các công trình đang thi công, do đường lún làm thu hẹp dòng chảy thì còn nguyên nhân nào khác nữa khiến nhiều tuyến đường tái ngập và ngập mới, thưa ông?
Từ năm 2011, trung tâm đã tiến hành rà soát lại những tuyến đường tái ngập và ngập mới để khắc phục. Nguyên nhân là do người dân xây nhà trái phép. Phần nhiều ngập mới là ở trong hẻm, do người dân lấn chiếm cống, rãnh để làm nhà, rồi vứt rác thải bừa bãi, gây tắc nghẽn dòng chảy. Thực tế, ý thức của người dân cũng góp phần vào việc ngập úng. Nếu cứ xả rác bừa bãi, nếu cứ mạnh nhà nào nhà đó lấn chiếm cống rãnh thì tất nhiên sẽ làm nghẽn dòng chảy. Tiếp đến là do hệ thống cống thoát nước thậm chí có từ thời Pháp, rất cũ và yếu, chỉ chịu được lưu lượng nước nhất định với vũ lượng là 85mml/3h. Nếu vượt quá mức này thì sẽ gây ngập.
Vậy để ứng phó với ngập úng trong TP do mưa ngày càng lớn và triều cường ngày càng nặng, trung tâm đã có những biện pháp gì, thưa ông?
Trước hết là cải tạo hệ thống cống, xây khẩu độ lớn hơn. Giải pháp cũng khả thi là xây hồ điều tiết, tập trung vào phân tán dòng chảy. Phía trung tâm cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát, sửa chữa các trạm bơm, cổng kiểm soát để đảm bảo vận hành xuyên suốt. Đồng thời, phối hợp cùng Công ty Thoát nước đô thị TP, mỗi lần có mưa lớn, lực lượng TNXP sẽ có mặt ở tất cả các tuyến đường có nguy cơ ngập trong TP để kịp thời báo về trung tâm, có biện pháp khắc phục ngay. Tiếp đến là kiểm tra công tác dòng ở các dự án đang thi công, các vị trí bị lấn chiếm do xây nhà cửa gây ách tắc dòng chảy để có giải pháp xử lý.
Xin cảm ơn ông!
Yến Hoa (thực hiện)
Khi người dân phát hiện tuyến đường hoặc con hẻm nào trong tình trạng ngập úng do mưa, do triều cường thì xin báo về Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM theo số điện thoại: 0838297598 vào tất cả các ngày trong tuần. Phía trung tâm sẽ có biện pháp khắc phục ngay.