Chủ nhật, 8/11/2015, 09h08

Bệnh “chậm phát triển” vì thiếu - thừa lao động

ĐBSCL đang đứng trước sự mất cân đối trầm trọng trong cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo. Thực tế gần 30% số sinh viên theo học các ngành khối kinh tế, trong khi ngành phù hợp với thế mạnh của vùng là thủy sản, nông nghiệp, chế biến… thì ít được xã hội và các trường ĐH quan tâm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt  10,4%…

Hậu quả là mức phát triển kinh tế - xã hội của vùng tương đối thấp so với các vùng trong cả nước.  Năng suất lao động cũng như tiền lương của người lao động trong vùng cũng rất  thấp. Đây là một nút thắt cản trở quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế của vùng.

Đào tạo: Mất cân đối nghiêm trọng

Có nhiều yếu tố khiến khu vực còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là hạn chế về nguồn nhân lực; TS. Vũ Anh Pháp (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, ĐH Cần Thơ), phân tích: “Nông dân chiếm 70% dân số, nhưng hơn 80% bà con chưa được tập huấn nghề nâng cao năng lực, chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống cộng với diện tích sản xuất nhỏ, manh mún nên hiệu quả thấp. Do sự  kém phát triển trong kinh tế làm hạn chế khả năng thu hút và sử dụng, phát triển nguồn nhân lực; môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân tài, chưa được cải thiện… Thu nhập của người dân còn thấp nên không có khả năng trả các khoản chi phí ngày càng cao ở các trường ĐH, CĐ, TCCN.

Một tiết dạy tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ   

“Đặc biệt, trong thời gian ngắn tại khu vực đã thành lập thêm quá nhiều trường ĐH, CĐ, tạo nên sự hỗn loạn nhất định trong thị trường GD-ĐT vốn là một ngành kinh doanh rất nhạy cảm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của các bậc phụ huynh và chính người học với hệ thống GDĐH, đặc biệt là các cơ sở đào tạo ngoài công lập. Dẫn đến việc nhiều HS sau khi tốt nghiệp THPT nếu không đậu vào các trường ĐH công lập có uy tín thì sẽ không tiếp tục việc học” - TS. Vũ Anh Pháp đúc kết.

Giải “nút thắt” giữa đào tạo và sử dụng?

Ông Võ Trọng Hữu (đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ) chia sẻ: ĐBSCL hiện có 18 trường và phân hiệu ĐH; 26 trường CĐ, hệ thống trường nghề trải khắp các quận-huyện ở các tỉnh-thành… nhưng nhìn chung chất lượng đào tạo chưa cao. “Hướng tới, khu vực cần tăng thành 20 trường ĐH, đồng thời kêu gọi các trường ĐH lớn ở TP.HCM  thành lập phân hiệu để thu hút người học; đưa tỷ lệ sinh viên/vạn dân của khu vực bằng cả nước là 250. Tăng số bác sĩ, dược sĩ đào tạo ngoài chính quy để đạt 8 bác sĩ và 2 dược sĩ/vạn dân. Quy hoạch, mở rộng mạng lưới đào tạo nghề, phấn đấu nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 55%” - ông Hữu đề xuất.

Trước ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường ĐH Cần Thơ, đặt vấn đề: “Giải pháp nào để phát triển nguồn nhân lực đi đôi với sử dụng? Trong khi gần 200 ngàn thạc sĩ và người có trình độ ĐH đang thất nghiệp!? Thực tế, rất nhiều trường hợp dù có việc làm nhưng không đúng chuyên môn đào tạo. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH nhưng sau đó xin học TCCN để có việc làm?”… Cũng liên quan vấn đề này, PGS.TS Lê Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - tỏ ra băn khoăn: Chương trình Mekong 1.000  đào tạo gần 600 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Dù phần lớn ứng viên, sau khi trở về nước đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đơn vị và các địa phương; nhưng cũng còn khá nhiều người chưa có điều kiện tốt để phát huy năng lực”… Mặt khác, ở lĩnh vực nhân lực ngành y,  nhiều năm nay, với việc thực hiện đa dạng hóa loại hình đào tạo, số lượng bác sĩ, dược sĩ, cử nhân  do 2 trường ĐH Y Dược Cần Thơ và ĐH Y Dược TP.HCM đào tạo (đặc biệt là hệ cử tuyển, liên thông cho khu vực ĐBSCL) đến nay đã đáp ứng vượt  chỉ tiêu  về bác sĩ - dược sĩ/vạn dân, sắp dẫn đến  tình trạng thừa nguồn lực này. Ở TP.Cần Thơ và một số tỉnh đã có tình trạng dược sĩ ra trường rất khó kiếm việc làm, riêng với ngành cử nhân điều dưỡng thì đã bão hòa. Trong khi đó các địa phương vẫn loay hoay xin  tăng chỉ tiêu  đào tạo ngoài ngân sách, hạ mức điểm chuẩn đầu vào, thay vì cố gắng  tìm  chính sách phù hợp để thu hút  các bác sĩ, dược sĩ về địa phương công tác(?!).

Xung quanh thực trạng trên, ông Võ Trọng Hữu (đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ), cho rằng: “Việc giải quyết nút thắt giữa đào tạo và sử dụng thuộc chính sách vĩ mô, và cần có sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng cũng như cả nước”.

Tuy nhiên theo nhiều đại biểu, có thể tháo gỡ thực trạng trên bằng cách thực hiện quy hoạch trong đào tạo; xây dựng và  hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực trình độ cao; vừa mang tính thống nhất đồng bộ cho toàn vùng vừa thể hiện tính đặc thù đảm bảo cho sự phát triển từng địa phương. Về sử dụng, hầu hết các chế độ chính sách hiện nay của Nhà nước đều mang tính cào bằng, chưa chú trọng việc phát huy tài năng, năng lực của những người có trình độ cao, do đó chưa tạo cho họ động cơ, thái độ làm việc đúng đắn và yên tâm công tác. Ông Nguyễn Ngọc Chung - Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM - cho rằng: “Các địa phương chỉ chú trọng đến mục tiêu thu hút, đào tạo những người có trình độ cao càng nhiều càng tốt mà không chú ý đến những vấn đề liên quan: Phân công, bố trí công việc phù hợp, môi trường làm việc, các điều kiện phát triển về chuyên môn, sự thăng tiến trong nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ…”.

Bài, ảnh: Đan Phượng