Thứ sáu, 9/7/2010, 08h07

Bệnh tả xâm nhập vào thành phố

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Lê Trường Giang đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tả tại Q.7

Ngày 7-7, Viện Pasteur TP.HCM xác nhận, thành phố vừa xuất hiện thêm 3 trường hợp mắc bệnh tả. Đó là bệnh nhân Đ.T.Đ - 36 tuổi, bệnh nhân T.A.D - 31 tuổi, cả hai cùng làm ở đơn vị thi công kho hàng hóa sân bay Tân Sơn Nhất, P.4, Q.Tân Bình. Trường hợp thứ 3 là cụ ông V.V.T - 80 tuổi, ngụ ở P.14, Q.Tân Bình.
Trước đó, trong tháng 4, thành phố đã ghi nhận 2 ổ dịch. Ổ dịch đầu tiên xảy ra ở Q.5 và Q.8 với tổng số 5 ca, ổ dịch thứ 2 xảy ra ở Q.7 với 4 trường hợp. Như vậy là sau hơn 2 tháng không phát hiện thêm ca tả nào, nay thành phố lại phải đối mặt với dịch bệnh này…
Nguồn lây bệnh từ vùng dịch đổ về
Sáng 1-7, anh Đ.T.Đ (bệnh nhân đầu tiên mắc tả) chạy từ nhà ở Q.7 đến nơi làm việc P.4, Q.Tân Bình. Trên đường đi, anh ghé qua Công viên 23-9, Q.1 mua một bịch sữa đậu nành đem tới nơi làm việc. Khi đến gần nơi làm việc, anh đã ăn sáng tại một quán bán bún riêu. Sau đó uống sữa đậu nành mua ở Công viên 23-9. Đến 9 giờ cùng ngày, anh Đ. bắt đầu bị tiêu chảy liên tục và phải nhập viện…
Ngay sau đó, Sở Y tế đã chỉ đạo cho Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Q.Tân Bình và TTYTDP Q.1 kiểm tra quán bán bún riêu và xe đẩy bán sữa đậu nành. “Chúng tôi đã lấy mẫu sữa đậu nành đưa đi xét nghiệm, kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Kết quả không phát hiện vi khuẩn tả nhưng xe đẩy bán sữa đậu nành phải nghỉ bán vì không đảm bảo các điều kiện VSATTP”, bác sĩ Nguyễn Văn Thể - Giám đốc TTYTDP Q.1 cho biết. Tương tự, quán bún riêu mà anh Đ. ăn sáng cũng phải tạm đóng cửa vì không đảm bảo điều kiện VSATTP.
“Cứ tưởng sữa đậu nành hoặc bún riêu là thủ phạm gây tả cho bệnh nhân Đ.T.Đ nhưng lại không phải. Chúng tôi lại tiếp tục “truy hỏi” anh Đ…”, ông Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM kể lại.
“Truy hỏi” mãi, cuối cùng anh Đ. cũng thú nhận là ngày 27-6 có về quê vợ ở Bến Tre ăn đám giỗ. Sở Y tế TP.HCM lập tức liên hệ với Sở Y tế tỉnh Bến Tre và được biết, quê vợ anh Đ. đang xảy ra dịch tả. Nhưng mọi việc không dừng lại ở đó, khi Sở Y tế TP phát hiện thêm trường hợp mắc tả thứ 2 là anh T.A.D bạn của anh Đ. Trước khi về làm ở Q.Tân Bình, cả hai đều làm việc ở Tây Ninh. Ngày 26-6, anh D. mới về TP.HCM làm, còn anh Đ. đi làm ngày 28-6…
Trường hợp thứ 3 là cụ ông V.V.T, cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, con cháu không ai mắc tả nên ngành y tế “bó tay” khi truy tìm thủ phạm gây bệnh.
“Dù đã một tuần nhưng chúng tôi vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh của 3 ca này. Điều đó cho thấy thành phố đang trong vòng vây của tả”, ông Giang nhấn mạnh.
Mầm bệnh tả mỗi ngày một nhiều
Có thể thấy tình hình dịch tả đang có chiều hướng phức tạp. Số ca mắc và tỉnh, thành có tả ngày càng tăng. Dịch tả tiếp tục lan ra nhiều tỉnh phía Nam và đang có chiều hướng tái bùng phát trở lại ở miền Bắc.
Ở miền Bắc, thủ đô Hà Nội vẫn là nơi có nhiều ca mắc tả nhất. Trong đó có gần 30 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện. Điều tra dịch tễ cho thấy, phần lớn các bệnh nhân tiêu chảy này đều có sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh. Tỉnh Thanh Hóa cũng mới ghi nhận ca đầu tiên mắc tả.
Ở khu vực phía Nam, tỉnh Bến Tre có gần 70 ca mắc bệnh tả. Các ca tả rải đều tại 35 xã thuộc 8 trong số 9 huyện, thành phố. Tỉnh Bạc Liêu cũng có 2 bệnh nhi (ngụ tại xã Định Thành, huyện Đông Hải) mắc tả. Cả hai đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Ngày 6-7, An Giang ghi nhận thêm một bệnh nhân nữ 22 tuổi ở Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, dương tính với phẩy khuẩn tả. Trước đó gần nhà bệnh nhân này cũng có 2 người bị nhiễm khuẩn tả. Như vậy là từ đầu tháng 6 đến nay An Giang đã phát hiện 11 ca dương tính với phẩy khuẩn tả, trong đó thành phố Long Xuyên có 8 ca. Điều tra dịch tễ cho thấy, những người bệnh này đều dùng nước sông để nấu ăn.
Bên cạnh đó những tỉnh giáp với biên giới Campuchia cũng có nhiều nguy cơ phát dịch khi mà ngày nào cũng có bệnh nhân tả từ Campuchia sang đây điều trị. Và đã có một bệnh nhân tả người Campuchia tử vong khi đưa sang cấp cứu tại trạm y tế xã Thuận Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.
“Mỗi ngày thành phố có hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về. Đặc biệt là trong tháng 7 này, số sĩ tử và người thân ở các tỉnh tới đây dự thi đại học, cao đẳng khiến cho số người vào thành phố tăng đột biến. Chúng ta không thể biết những người này có mang theo mầm bệnh hay không. Vì vậy mầm bệnh tả mỗi ngày đều được bổ sung vào TP.HCM, mỗi người dân thành phố đều có nguy cơ mắc bệnh. Cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch và khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt”, ông Giang khẳng định.
Bài, ảnh: Hòa Triều