Thứ hai, 3/6/2013, 11h06

“Bệnh” thích vi phạm giao thông

Dù dòng chữ trên tấm băng rôn là “Tuyến đường cấm đậu xe” nhưng ô tô vẫn vô tư  đậu

Rất nhiều biển báo giao thông tại TP.HCM đã bị vô hiệu hóa bởi chính những người tham gia giao thông. Còn vỉa hè thì luôn bị “xẻ thịt”. Cơ quan chức năng dường như cũng khó xử lý trước muôn nẻo lách luật vi phạm của người dân
Bất chấp biển báo
Biển báo cấm rẽ ra đường Cách Mạng Tháng Tám đặt ở ngay tại ngã 3 đầu đường Hồ Xuân Hương và Cách Mạng Tháng Tám (Q.3). Thế nhưng, nhiều người vẫn phớt lờ biển cấm, hồn nhiên rẽ trái từ đường Hồ Xuân Hương sang Cách Mạng Tháng Tám vốn là đường hai chiều nên dễ gây ùn tắc khi có dòng người băng sang đường.
Lý giải cho hành vi vi phạm này, nhiều người tỏ ra ngơ ngác không biết là đường cấm rẽ, người thì nói tiện đường nên rẽ, không thấy CSGT… nên rẽ?!? Chị P.T.N. nhân viên bán hàng gần ngã 3 trên than thở: “Mỗi chiều tan tầm là người ta cứ ùn ùn rẽ, chẳng để y gì đến dòng người đối diện. Bữa nào có bóng dáng CSGT, họ sẽ quay lại hoặc đi cùng chiều không được thì băng sang đường…”. Mới đây, tấm biển Stop đã được thay cho biển mũi tên gạch chéo cấm rẽ trái. Để người đi đường dễ nhận thấy hơn mà dừng lại. Nhưng theo chúng tôi quan sát thì tình trạng không hề thay đổi.
Tại ngã tư Nguyễn Thượng Hiền - Điện Biên Phủ (Q.3). Một bên đường Nguyễn Thượng Hiền có biển báo ghi: “Cấm rẽ phải khi đèn đỏ”, một bên đường biển báo “đường một chiều”. Tuy nhiên, cả hai tấm biển đều như không tồn tại với nhiều người tham gia giao thông. Đèn đỏ cứ rẽ, khi cần cứ đi ngược chiều. Ông Nguyễn Văn Tám, xe ôm khu vực này ngán ngẩm cho biết: “Hiếm thấy người nào đèn đỏ mà không rẽ lắm…”.
“Tùng xẻo” vỉa hè
Quanh nhà thờ Đức Bà (Q.1), rất nhiều tuyến đường cấm đậu xe, được ghi với dòng chữ rõ ràng trên tấm băng rôn đỏ: “Tuyến đường cấm đậu xe”. Nhưng càng cấm càng đậu. Ngay đầu đường Nguyễn Văn Bình, Đồng Khởi, Nguyễn Du, bên cạnh tấm băng rôn là hàng dài ô tô, taxi, xích lô, xe ôm đậu kín. Thậm chí cả ô tô du lịch 2 tầng cũng góp mặt. Tất cả ô tô đều đang bật xi nhan nhấp nháy. Chủ nhân một chiếc xe ô tô 4 chỗ chia sẻ: “Bật xi nhan thì lực lượng CSTT, trật tự đô thị phường, công an phường cũng không xử phạt được. Cùng lắm là nhắc nhở thôi…”.
Tối, vỉa hè đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tấp nập, nhộn nhịp với hàng dãy quán ăn, quán nhậu. Mỗi lần nghe thấy bóng dáng của công an là nhốn nháo cả lên. Chủ một quán ốc ở đây chia sẻ: “Tất cả các quán đều có số điện thoại của nhau, để nơi này bị công an hốt thì còn thông báo cho nơi kia biết. Mà bán buôn không dùng vỉa hè thì làm sao mà sống được…”.
Đường 3 Tháng 2 (Q.10), khu vực giao với đường Ngô Quyền đang trong tình trạng thi công, tu sửa. Lô cốt dược dựng lên, đường thu hẹp lại chỉ vừa một ô tô con. Nhưng không vì thế mà vỉa hè dành cho người đi bộ được thông thoáng. Hàng nước, hàng cà phê, hàng ăn… cũng kịp thời dựng lên để phục vụ cho nhân viên làm đường. Giữa sỏi đá, giữa lô cốt, giữa người xe chen lấn, chưa nói đến việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm, những quán hàng đó hết sức phản cảm và nhếch nhác. Đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.3) vốn dĩ rất nhỏ nhưng từ lâu được coi là con dường nhậu nhẹt thâu đêm với nghêu, sò, ốc, hến… Vì thế, đường đã nhỏ lại càng nhỏ hơn với hàng dàn người tràn ra lòng đường ăn uống…
Trong một lần xử lý vi phạm buôn bán lấn chiếm vỉa hè đường Phạm Văn Hai, một cán bộ Đội quản lý trật tự đô thị Q.Tân Bình cho biết, dù đã rất nhiều lần lên phương án phối hợp cùng cảnh sát trật tự quận ra quân nhưng người buôn bán luôn có cách để ứng phó. Hễ thấy bóng dáng lực lượng là họ chạy hết hàng quán vào trước cửa nhà, đợi đến khi mình đi họ lại kê ra, bán buôn bình thường… thông thường ra quân chỉ thu được vài cái bàn, ghế. Xe để lấn chiếm lòng đường mang về quận giải quyết.
Việc vi phạm biển báo giao thông, lấn vỉa hè, lòng lề đường từ lâu đã trở thành “căn bệnh” trầm kha của xã hội mà nếu chỉ trông chờ vào ý thức của người dân thôi thì chưa đủ. Có lẽ đã đến lúc cần phải có những “toa thuốc” thật mạnh, triệt để từ phía các cơ quan chức năng thì mới có thể “chữa” được phần nào các “căn bệnh” nói trên.
Bài, ảnh: Yến Hoa