Thứ ba, 15/11/2016, 16h42

Bếp tiện ích của học trò nông thôn

Nhìn dáng mẹ nhọc nhằn trong căn bếp mùa đông ẩm ướt, khói bay mù mịt, hai học sinh ở Quảng Trị đã thiết kế cái bếp đun tiện ích tận dụng nguồn nhiên liệu sẵn có ở quê; qua đó giúp công việc nấu nướng nhàn hơn, giảm thiểu đáng kể khí CO độc hại ra môi trường...

Đình Quang và Thùy Linh đang thử nghiệm hiệu quả của bếp tiện ích

Sản phẩm trên do hai em Dương Đình Quang và Lê Bá Thùy Linh (học sinh lớp 9 Trường THCS Triệu Đông, huyện Triệu Phong) thiết kế.

Đình Quang cho biết em sinh ra và lớn lên ở quê còn nhiều thiếu thốn. Vào mùa đông, mưa lũ ngập đường sá, có khi tràn vào tận nhà. Củi đốt vì thế bị ẩm ướt, để nhóm được bếp lửa thì khói bay mù mịt khắp nhà. Đó là chưa kể việc kiếm củi đốt cũng rất khó khăn. “Nhiều lần em giúp mẹ đun bếp bằng trấu, dù có tiện hơn nhưng vẫn mất thời gian ngồi canh bếp để gạt tro cho lửa cháy. Thế nên em mới nảy ra ý tưởng thiết kế một cái bếp giúp mẹ tiết kiệm được thời gian để làm việc khác...”, Đình Quang nói.

Sau khi có ý tưởng, Đình Quang bàn bạc thêm với Thùy Linh rồi mới cho ra bản thiết kế chi tiết. Thùy Linh cho hay: “Sau khi bàn bạc cùng Đình Quang, em lên mạng tìm hiểu mới biết đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất loại bếp dùng nguyên liệu vỏ trấu để tạo ra khí đốt. Loại bếp này đã giải quyết vấn đề phụ phẩm nông nghiệp cho vùng nông thôn, đặc biệt là vỏ trấu; tiết kiệm nguồn năng lượng hóa thạch, xây dựng nền kinh tế ít cacbon, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên những loại bếp này nhiệt lượng chủ yếu nhận từ miệng bếp, chứ chưa khai thác hết nhiệt năng từ thân bếp tỏa ra. Chính vì lí do đó chúng em đưa ra ý tưởng cải tạo bếp trấu không ngoài mục đích trên mà còn làm tăng chức năng sử dụng và hiệu suất của bếp”.

Kết cấu bếp gồm buồng đốt, thân buồng đốt, vỉ ngăn trấu, nắp miệng bếp và hệ thống quạt gió cung cấp ôxy (thực hiện bởi quạt điện tạo ra áp suất không khí cao) thúc đẩy quá trình cháy diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, an toàn hơn (ngọn lửa màu xanh, ít khói và tro màu bạc). Cùng với bộ phận chứa nước, tiếp nhận nhiệt lượng truyền ra từ thân lò để đun sôi nước. Đây là điểm mới của bếp nhằm tận dụng hiệu quả, triệt để năng lượng tỏa ra.

Nguyên lý hoạt động của bếp là nhiên liệu dùng nhóm lửa bằng những mẩu giấy vụn. Sau đó sẽ cháy từ từ theo từng lớp vỏ trấu, mạt cưa... qua vùng dễ cháy, và di chuyển dần xuống bên dưới với tốc độ khoảng 1cm đến 2cm/phút. Tốc độ cháy phụ thuộc vào quạt gió. Càng nhiều gió thì tốc độ càng nhanh. Khi vùng đốt di chuyển xuống, sẽ tiếp tục đốt cháy trấu, mạt cưa... thành  tro. Chính tro nóng này, kết hợp với không khí từ dưới đi lên, sẽ xảy ra phản ứng hóa học, biến thành khí gas dễ cháy (CO, H2, Metan). Khí gas nói trên sẽ bốc lên phần đầu bếp. Không khí ở phía trên sẽ hòa lẫn với khí gas này, và một lần nữa, khí gas sẽ cháy ngay phía trên đầu bếp sinh ngọn lửa màu xanh. Đặc biệt bếp không gây nổ vì lượng gas tạo thành đã được đốt cháy hết, không có gas dự trữ bên trong. Đình Quang cho biết bếp vừa bảo đảm vệ sinh (không khói), vừa sử dụng lượng nhiệt phía trên lò để nấu thức ăn, vừa tận dụng nguồn nhiệt tỏa ra từ thân lò để làm cho nước nóng lên dùng tắm rửa, uống. Bên cạnh đó bếp dễ sử dụng với nhiên liệu như: trấu, mùn cưa, than... là những nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

Bếp đun tiện ích có tính ứng dụng cao
Bếp vừa bảo đảm vệ sinh (không khói), vừa sử dụng lượng nhiệt phía trên lò để nấu thức ăn, vừa tận dụng nguồn nhiệt tỏa ra từ thân lò để làm cho nước nóng lên dùng tắm rửa, uống.

Theo tính toán của Đình Quang, chi phí làm ra chỉ 650.000 đồng, tính ra lợi ích kinh tế của bếp là khá nhiều. Ví dụ, nếu một hộ gia đình sử dụng trung bình mỗi ngày 30 lít nước thì tiết kiệm được lượng nhiệt năng là 10.080.000J tương ứng với điện năng là 2,8 Kwh. Vậy mỗi tháng một gia đình có thể tiết kiệm được điện năng tương ứng là 84 Kwh. Nếu tính giá điện năng trung bình là 1.500 đồng thì sẽ tiết kiệm được số tiền tương đương 126.000 đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với người nông dân. Thầy Võ Ngọc Diệp (giáo viên môn vật lý, người hướng dẫn đề tài) cho biết: “Sản phẩm của hai em có hiệu quả thực tiễn lớn đối với vùng nông thôn thấp trũng. Vừa tận dụng được nguồn phế phẩm có sẵn, rút ngắn thời gian đun nấu, hiệu suất bếp cao”.

Với những tính năng có ứng dụng thực tế cao, sản phẩm của Đình Quang và Thùy Linh đã xuất sắc đạt giải nhì (không có giải nhất) tại Cuộc thi sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị năm 2016. Nói về dự định của mình, Đình Quang bộc bạch: “Sản phẩm trên chỉ mới là mô hình thử nghiệm. Em đang tính toán để thiết kế thêm một ngăn kép dùng đun nước sôi để nâng lượng nước có thể nấu lên được nhiều hơn. Dù được đánh giá cao trong tính ứng dụng thực tế nhưng để sản phẩm thương mại hóa, đến được với bà con vùng nông thôn, chúng em rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp mới có thể sản xuất bán ra thị trường”.

Phan Vĩnh Yên