Thứ ba, 6/4/2010, 08h04

Bước tiến mới cho vấn đề sông Mê Kông

Lãnh đạo các nước MRC tại lễ khai mạc hội nghị. Từ trái qua: Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Việt Phương
Điều thành công nhất qua Hội nghị cấp cao Ủy ban sông Mê Kông (MRC) lần thứ nhất vừa qua là sự cởi mở, minh bạch trong việc chia sẻ thông tin giữa những nước mà con sông này chảy qua.

Hội nghị cấp cao MRC lần thứ nhất ở Hua Hin, Thái Lan đã khép lại hôm qua. Hai ngày hội thảo đầu tiên của hội nghị với sự tham gia của các chuyên gia đến từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra nhiều kinh nghiệm quý báu về quản lý nguồn nước và các tài nguyên khác trên lưu vực sông. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nhấn mạnh: không chỉ chính phủ các nước mà các khối tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự cũng đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của sông Mê Kông.

Nhìn lại 4 ngày hội nghị, điều thành công nhất có lẽ là sự chia sẻ thông tin giữa các nước trong lưu vực sông. Trong dịp này, Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc cũng đã cung cấp cho MRC các dữ liệu thủy văn của các con đập trên sông Lan Thương, thượng nguồn Mê Kông. Thông tin này là vô cùng quan trọng để các nước hạ lưu sông Mê Kông có thể đối phó với tình hình hạn hán, ảnh hưởng đến lượng nước, thủy sản cũng như đời sống của những người dân phụ thuộc vào con sông.

Ông Trần Văn Tuấn, Điều phối viên Chương trình Quản lý thông tin và kiến thức của MRC cho rằng: “Thông tin về con sông được chia sẻ càng minh bạch và rõ ràng thì việc ra các chính sách, quyết định liên quan sẽ dễ dàng hơn. Và để chia sẻ thông tin tốt hơn, ngoài MRC, các nước cũng cần tích cực hơn trong việc trao đổi thông tin”.

Là quốc gia nằm cuối nguồn con sông Mê Kông, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nào trong bối cảnh nguồn nước và khí hậu có sự thay đổi? Về mặt tổng thể, theo ông Tuấn, việc xuất hiện các đập nước trên dòng chảy chính của sông Mê Kông phần nào sẽ làm giảm lượng phù sa đổ về sông Tiền và sông Hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. “Lượng cát đổ về sẽ nhiều hơn lượng sét, trong khi chúng ta lại cần lượng sét”, ông Tuấn nói. Bản thân lượng phù sa giảm đi trong khi lượng cát tăng lên cũng sẽ làm ảnh hưởng đến thủy sản và đời sống các loài cá. Ông Tuấn giải thích: “Các sinh vật phù du, là thức ăn cho cá, lại sống nhờ vào phù sa”.

Tuyên bố chung Hua Hin với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu, bảo đảm cân bằng: Hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông” cũng đã được ký kết. Bản thân chủ đề này cũng cho thấy quyết tâm của các nước trong việc hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng khai thác các nguồn tài nguyên của sông Mê Kông một cách hợp lý, cùng chia sẻ nguồn lợi và cùng chia sẻ trách nhiệm đối với con sông.

Việt Phương (Theo TNO)