Thứ năm, 30/3/2017, 22h35

Buôn bán người ra nước ngoài: Việt Nam có nhiều người là nạn nhân

Ông David Pennant, Bộ Nội vụ Anh đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam trong hoạt động chống buôn bán người. Ảnh: H.Giang

Ngày 29-3, tại Đà Nẵng, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Chương trình hành động của Liên Hợp Quốc về hợp tác chống nạn buôn bán người (UN-ACT) đã tổ chức Hội nghị “Tìm kiếm cơ hội hợp tác trong phòng chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại”.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong việc nhận diện, điều tra và triệt phá tội phạm nô lệ thời hiện đại. Đồng thời tìm kiếm cơ hội tăng cường hợp tác giữa hai nước Việt - Anh trong công cuộc đấu tranh chống lại nạn buôn bán người và nô lệ thời hiện đại. Ông David Pennant, cán bộ cao cấp đặc trách Việt Nam, Bộ Nội vụ Anh đánh giá cao sự hợp tác của các cơ quan Việt Nam trong các hoạt động đối phó với loại tội phạm buôn bán người tại Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam và Anh đã có nhiều chuyển biến tích cực thông qua các hoạt động phối hợp trong phòng chống nạn buôn bán người.

Các chuyên gia đến từ Anh cũng cho biết, hiện ở Anh có từ 10.000-13.000 người là nạn nhân của nạn buôn bán người tại Anh. Những nạn nhân bị bóc lột tại các cơ sở trồng cần sa và tiệm nail. Việt Nam là quốc gia thứ 2 sau Albany có nạn nhân mua bán người là trẻ em, bị lạm dụng, bóc lột tại Anh. Tính đến tháng 9-2016, Việt Nam có khoảng 368 người có nguy cơ là nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Về vấn đề này, Thiếu tá Phạm Mai Hiên, Phó Trưởng phòng 9/C42, Bộ Công an cho biết, từ năm 2011 đến nay, Công an Việt Nam đã khám phá hơn 2.000 vụ với 3.200 đối tượng lừa bán gần 4.000 nạn nhân ra nước ngoài. Việc mua bán người thông qua việc xuất cảnh trái phép đi lao động thời vụ. Hành vi mua bán người chủ yếu là mua bán phụ nữ để làm vợ hoặc ép làm hoạt động mại dâm; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; Xuất cảnh hợp pháp sang các nước bằng con đường du lịch, thăm thân nhân, sau đó bán sang nước thứ ba. Nguyên nhân của nạn mua bán người trái phép là do tình hình mất cân bằng giới tính, thiếu lao động phổ thông ở một số nước có chung đường biên giới; các đối tượng lao động thiếu việc làm, trình độ lao động thấp, thiếu thông tin và thiếu các kỹ năng ứng phó. Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật liên quan đến phòng chống mua bán người cũng như tham gia các công ước quốc tế...

Hàn Giang