Thứ năm, 23/11/2017, 22h45

Buýt đường sông chính thức hoạt động

Theo ông Nguyễn Kim Toản (Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật), chủ đầu tư dự án 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP.HCM  (buýt đường sông), sau hơn 3 tháng hạ thủy vận hành kỹ thuật, tuyến buýt đường sông đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 25-11-2017.

Buýt đường sông được kỳ vọng sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc đường bộ và phát triển ngành du lịch của TP.HCM

Hành khách được miễn phí vé trong 10 ngày đầu

Tuyến buýt đường sông đầu tiên được đưa vào hoạt động là tuyến buýt số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông). Ông Nguyễn Kim Toản cho biết, sau thời gian chạy thử nghiệm thành công, đơn vị chủ đầu tư đã hoàn tất những khâu cuối cùng trong việc kiểm tra kỹ thuật, đánh giá mức độ an toàn cũng như khảo sát nhu cầu của hành khách. Đồng thời hoàn tất việc thi công, lắp ráp, chỉnh trang bến và các điểm đón trả khách để kịp đưa vào hoạt động chính thức từ ngày mai 25-11. Nhằm có thể phục vụ hành khách một cách tốt nhất, nên bên cạnh việc đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật, vấn đề mỹ quan ở các bến cũng được chú trọng đầu tư để đáp ứng nhu cầu giải trí, du lịch của khách hàng. Tiêu biểu như khuôn viên ở bến Bạch Đằng đã được “trang hoàng” bởi các tiểu cảnh đẹp mắt và đặc biệt có thêm quán cà phê ven sông.

Ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) khẳng định, TP với lợi thế có hơn 1.000km đường thủy nội địa, tuyến buýt đường sông sẽ góp phần rất lớn trong việc kéo giảm ùn tắc đường bộ và cũng là sản phẩm góp phần phát triển cho ngành du lịch của TP.HCM. Bên cạnh tuyến buýt đường sông số 1, tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3km (cũng thuộc dự án nêu trên) vẫn đang được triển khai và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2018.

Được biết, toàn tuyến buýt đường sông số 1 có tổng chiều dài là 10,8km. Tổng cộng tuyến buýt này có tất cả 9 bến, gồm bến Bạch Đằng (bến đầu), Bến Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh), bến Bình An, Thảo Điền (quận 2), Tầm Vu, Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), và bến cuối là bến Linh Đông. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND TP, tuyến buýt số 1 còn được bổ sung thêm 3 bến nữa gồm bến Thủ Thiêm (quận 2), bến Tân Cảng (quận Bình Thạnh) và bến Trường Thọ (quận Thủ Đức). Tham gia buýt đường sông, hành khách vừa được du ngoạn vừa đến nơi mình cần theo lộ trình từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức) tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới.

Ông Toản cho biết thêm, tuyến buýt đường sông số 1 có 5 tàu phục vụ hành khách, mỗi tàu 80 chỗ. Trong đó, 4 tàu sẽ vận chuyển hàng ngày và 1 tàu được đưa vào phương án dự phòng. Theo tính toán của cơ quan chức năng, thời gian quay đầu của một lượt đi từ điểm khởi hành (bến Bạch Đằng) đến điểm cuối (bến Linh Đông) sẽ mất khoảng 30 phút. Giá vé cho mỗi hành khách là 15.000 đồng. Nhằm giúp hành khách có những trải nghiệm thú vị và mới lạ, qua đó khuyến khích người dân tham gia loại hình vận tải công cộng mới, chủ đầu tư cho biết sẽ miễn phí vé trong 10 ngày đầu tiên kể từ khi vận hành.

Đề xuất trung chuyển bằng xe buýt điện

Đó là sáng kiến và đề xuất của chủ đầu tư dự án buýt đường sông - Công ty TNHH Thường Nhật nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như du khách. Theo đó, đơn vị này đã có đề xuất với Sở GTVT TP cho sử dụng 10 xe điện, loại 4 bánh (8-14 chỗ) để vận chuyển khách du lịch và người dân trong phạm vi từ bến tàu đến các khách sạn, địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bảo tàng TP… trong khoảng thời gian từ 5 giờ tới 22 giờ mỗi ngày. Theo nhận định của Sở GTVT, đề xuất của Công ty TNHH Thường Nhật về việc cho thí điểm xe điện 4 bánh trong phạm vi phù hợp để phục vụ việc đi lại, tham quan của người dân và du khách là rất cần thiết. Qua đó sẽ góp phần phát triển hiệu quả của tuyến buýt đường sông trong thời gian sắp tới. Ủng hộ đề xuất của đơn vị chủ đầu tư, Sở GTVT đã phát đi văn bản thăm dò và nhận được sự đồng tình từ các sở ngành có liên quan ở các địa phương có bến buýt đi qua. Từ cơ sở này, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP xem xét, đồng thời đề nghị Bộ GTVT có ý kiến cũng như hướng dẫn triển khai thực hiện đề xuất thiết thực trên.

Lộ trình các tuyến xe điện được đề xuất

+ Lộ trình 1: Bến Bạch Đằng - Hai Bà Trưng - Đông Du - Mạc Thị Bưởi - Công trường Lam Sơn - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn - Phạm Hồng Thái - Phạm Ngũ Lão - Yersin - Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính - Nguyễn Công Trứ - Tôn Thất Đạm - Võ Văn Kiệt - Bến Nguyễn Thái Bình - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Huệ - Công trường Mê Linh - Bến Bạch Đằng. Điểm đón, trả khách phục vụ khách du lịch dọc theo lộ trình hoạt động như New World, Sheraton, Rex, Majestic, Renaissance Riverside, Park Hyatt, Continental, chợ Bến Thành (cửa Bắc), Nhà hát TP, Bảo tàng Mỹ thuật TP, phố đi bộ Nguyễn Huệ.

+ Lộ trình 2: Bến thủy Bình An - đường số 20 - Trần Não - đường song hành Xa lộ Hà Nội - Tòa nhà Paskson Cantavil - Pháp viện Minh Đăng Quang - Mai Chí Thọ - đường Đông Tây (thuộc dự án khu đô thị phát triển An Phú) - đường số 24 - đường song hành Xa lộ Hà Nội - Trần Não - đường số 20 - Bến thủy Bình An. Điểm đón, trả khách phục vụ khách du lịch dọc theo lộ trình hoạt động như Siêu thị Metro An Phú, Tòa nhà Paskson Cantavil, Pháp viện Minh Đăng Quang và Khu dân cư An Phú.

+ Lộ trình 3: Bến thủy Thảo Điền - đường số 66 - Nguyễn Văn Hưởng - Thảo Điền - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng - đường số 66 - Bến thủy Thảo Điền. Điểm đón, trả khách phục vụ khách du lịch dọc theo lộ trình hoạt động: Xe được đón, trả khách tại các vị trí theo nhu cầu của hành khách đảm bảo an toàn giao thông và không bị hạn chế theo quy định dọc theo lộ trình tuyến.

Trong khi chờ được UBND TP và Bộ GTVT phê duyệt đề xuất sử dụng xe điện làm phương tiện trung chuyển giữa các bến buýt đường sông và các địa điểm trong thành phố, thì cơ quan chức năng đã tạo sự kết nối một số tuyến xe buýt với các bến đầu và bến cuối là bến Bạch Đằng và Linh Đông. Đồng thời đã hình thành bãi giữ xe máy ở những khu vực này, để người dân có thể an tâm gửi phương tiện cá nhân khi tham gia buýt đường thủy. Ông Trần Chí Trung (Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng - Sở GTVT TP.HCM) cho biết thêm, tuyến xe buýt số 89 cũng đang được điều chỉnh để tạo sự kết nối từ khu vực đường Hiệp Bình (quận Thủ Đức) đến bến Linh Đông nhằm tăng khả năng chuyên chở hành khách ở khu vực này.

Bài, ảnh: Vũ Phương