Thứ sáu, 31/7/2015, 12h37

“Buýt đường sông” sẽ thu hút khách

Dự án đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đường thủy là tuyến Bạch Đằng - Linh Đông và tuyến Bạch Đằng - Lò Gốm vừa được UBND TP.HCM phê duyệt và dự trù sẽ hoàn thành vào năm 2016. Điều này khiến người dân thành phố phấn khởi, mong chờ một loại phương tiện lưu thông đường thủy mới, tiện lợi, thú vị cho việc đi lại và thưởng lãm trên sông.

Đáp ứng nhu cầu đi lại và thưởng lãm

Phụ trách vị trí Trưởng phòng kinh doanh cho một công ty kinh doanh đồ điện tử, anh Phan Hoài Nam thường xuyên đi lại giữa công ty mẹ ở quận 1 và chi nhánh ở quận Thủ Đức. Đã có đến trên dưới 10 lần anh bê trễ việc đón con trong năm học vừa qua vì phải di chuyển trên quãng đường xa, đường đông xe, ùn tắc, gay go nhất là vào những dịp vợ anh đi công tác xa nhà. Thế nên hôm hay tin “sang năm thành phố sẽ có tuyến “buýt đường sông”, tôi vui như mở cờ trong bụng. Vì nhiều người trong số chúng tôi có con nhỏ phải đưa đón con học hành, nên ban giám đốc công ty cũng đã nghĩ đến việc sẽ tạo điều kiện cho nhân viên đi lại bằng loại phương tiện này và hỗ trợ thêm chi phí xe taxi để thuận tiện di chuyển đến hai đầu bến tàu”.

Thành phố kỳ vọng VTHKCC đường thủy khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ

Bà Cristina, một du khách đến từ nước Mỹ cho biết gia đình bà đã 2 lần đến Bangkok (Thái Lan) hưởng kỳ nghỉ hè vì thích thú với việc thưởng lãm cảnh đẹp trên dòng sông ở thành phố Bangkok. Lần nghỉ hè ở TP.HCM năm nay, bà cảm thấy thích thú khi biết tin thành phố cũng sẽ có phương tiện vận chuyển hành khách bằng đường sông vào năm tới. Cristina cảm nhận: “Tôi nghĩ rằng những tòa nhà cao tầng, khu dân cư, thậm chí quán cà phê ven sông… cũng đã tạo nên những nét riêng cho thành phố của các bạn, và đó sẽ là những điều thú vị đối với chính người dân thành phố và du khách các nước khi họ đi trên những chuyến “buýt” công cộng đường sông, chứ không hẳn cứ phải là tuyến tàu dịch vụ du lịch mới hấp dẫn du khách chúng tôi”.

Một tài xế xe buýt tuyến 26 (Bến xe Miền Đông - An Sương) cho rằng loại hình mới về VTHKCC đường thủy nếu hoạt động tốt sẽ thực sự góp phần giải tỏa áp lực cho vận tải công cộng đường bộ, đặc biệt với phương tiện xe buýt.

Giảm áp lực cho lưu thông đường bộ

Theo thông tin từ Sở GTVT thành phố, TP.HCM có tiềm năng lớn về phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy với hơn 1.000km đường sông và thực tế việc đầu tư hai tuyến VTHKCC Bạch Đằng - Linh Đông, tuyến Bạch Đằng - Lò Gốm hiện nay là cần thiết, nhằm phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ vốn đã quá tải, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, các dịp lễ tết. Đồng thời, đây cũng là điểm khởi đầu cho việc phát triển một loại VTHKCC mới.

Theo đó, phạm vi hoạt động của hai tuyến “buýt đường sông” gồm các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức, trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. Tuyến Bạch Đằng - Lò Gốm dài 10,3km, đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8. Khu bến trung tâm của 2 tuyến “buýt đường sông” sẽ được xây dựng ở quận Thủ Đức với diện tích khoảng 3ha gồm bến đón trả khách, nhà điều hành, khu vận hành bảo dưỡng và neo đậu tàu...

Đại diện Công ty Thường Nhật (Daily Express), chủ đầu tư dự án cho biết, tổng số vốn đầu tư cho cả hai tuyến buýt đường sông dự kiến khoảng 58 tỷ đồng. Trước mắt, công ty sẽ đầu tư 8 chiếc tàu, trị giá 3,5 tỷ mỗi chiếc, loại 80 ghế ngồi cho cả hai tuyến (mỗi tuyến 4 chiếc), với tần suất hoạt động khoảng 15 phút sẽ có một chuyến tàu khởi hành vào giờ cao điểm (từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút, từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ) và giãn cách lâu hơn vào các thời điểm khác trong ngày. Sau khi tính toán chi phí, Daily Express đưa ra giá vé đề xuất là 15.000 đồng/vé cho một lộ trình.

Bài, ảnh: Bích Vân

Lịch trình của “buýt đường sông”

Tuyến Bạch Đằng - Linh Đông có các bến đón trả hành khách (bao gồm cả bến đầu và bến cuối) gồm: Bến Bạch Đằng (quận 1), khu vực Sài Gòn Pearl (Bình Thạnh), khu vực phường Bình An (quận 2), khu vực Thảo Điền (quận 2), khu vực Tầm Vu (Bình Thạnh), khu vực Thanh Đa (quận Bình Thạnh), khu vực Bình Triệu (Thủ Đức), khu vực Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) và khu vực Linh Đông (Thủ Đức).

Các bến đón trả hành khách của tuyến Bạch Đằng - Lò Gốm gồm: Bến Bạch Đằng, khu vực Nguyễn Thái Bình, Calmette (quận 1), khu vực Khánh Hội (quận 4), khu vực cầu Chữ Y, chợ Hòa Bình, cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5), khu vực Bình Đông, cầu Chà Và (quận 8), khu vực Bình Tây (quận 6), khu vực chùa Long Hoa (quận 8) và khu vực Lò Gốm (quận 6). Mỗi khu bến đón, trả khách có diện tích khoảng 50m2.