Thứ ba, 5/12/2017, 23h34

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” tổ chức ngày 5-12 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng công nghệ tại sự kiện. Ảnh: C.P

Theo Thủ tướng, hiện nay thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong cuộc cách mạng này, sự hội tụ của công nghệ tiên tiến tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp thông minh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới trong sản xuất kinh doanh, tác động sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Theo đó, các quốc gia trên thế giới đều có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Riêng Việt Nam, các bộ, ngành và địa phương tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%). Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với trên 4.000 trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số (đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới.

Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 năm 2017. Cùng với khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh những cơ hội, Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức. Đó là nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, robot hóa, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động. Sự tiếp cận với công nghiệp thông minh còn thiếu tính kết nối và chưa có sáng tạo, đột phá. Trình độ công nghệ của nền kinh tế xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều, nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu... Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá.

“Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin; đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo đó, cần phải tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh; Xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin đóng vai trò là “hạ tầng của hạ tầng” cho nền kinh tế số. Tập trung đầu tư hiện đại hóa đồng bộ, kết nối liên thông hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bao gồm: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thông tin và hạ tầng tri thức.

Đặc biệt, phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có đội ngũ trên 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao.

Song song đó, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực. Khơi dậy niềm đam mê khoa học và khát vọng sáng tạo, nhất là của thế hệ trẻ. Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước cũng như từng bộ, ngành và địa phương.

 “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc nên chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển. Phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới. Phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển”, Thủ tướng cho biết.

M.Trường - C.P