Thứ ba, 28/3/2017, 21h41

Cái tâm của một nhà giáo

Nhiều năm liền đạt Tập thể lao động xuất sắc, Bằng khen và Cờ thi đua UBND TP.HCM, Trung tâm GDTX Q.Phú Nhuận xứng đáng là lá cờ đầu của ngành GD-ĐT TP.HCM. Thành tích vẻ vang này thuộc về tập thể và nhiều thế hệ ban giám đốc gần 20 năm qua trong đó có phần công lao nhà giáo Nguyễn Trần Bảo Long - Giám đốc của Trung tâm GDTX Q.Phú Nhuận.

Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận Võ Cao Long chúc mừng nhà giáo Nguyễn Trần Bảo Long đạt giải Võ Trường Toản năm 2009

Là một tân giám đốc đương nhiệm của năm học này nhưng thầy giáo Nguyễn Trần Bảo Long - đã có 20 năm gắn bó với địa bàn Q.Phú Nhuận trong việc đóng góp nhiệm vụ chính trị là phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và nâng cao trình độ văn hóa cho người lao động. 

Góp phần giữ vững lá cờ đầu

Nhắc đến Trung tâm GDTX Q.Phú Nhuận, hầu hết các đơn vị GDTX tại TP.HCM đều khen ngợi vì bảng vàng thành tích cùng một chiến lược quản lý chất lượng dạy học và phong trào hiệu quả. So với các quận huyện khác, Phú Nhuận có địa bàn hẹp dễ quản lý nhưng thuận lợi đó không “lấn át” được những khó khăn về nhân sự, tổ chức mà bất kỳ đơn vị GDTX nào trong TP.HCM cũng phải đối mặt. Thế nhưng bằng “chiến thuật” chỉ huy khéo léo và sự quyết tâm đồng lòng của ban giám đốc mà nền nếp kỷ luật và phong trào học tập của đơn vị đã có sự khởi sắc mạnh mẽ ngay từ xuất phát điểm. Được phất cao lên từ tay Giám đốc Ninh Văn Bình, sau đó ngọn cờ đầu phong trào Hai tốt của đơn vị tiếp tục được “truyền lửa” vững vàng cho nữ Giám đốc Phạm Thị Xuân Mai và Đỗ Thị Thúy Liễu mà đỉnh cao là tấm Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng năm 2011. Đây cũng là giai đoạn mà nhà giáo Nguyễn Trần Bảo Long đang ở độ sung sức cống hiến hết mình để góp phần kết nên “tràng hoa chiến công” rực rỡ đó.

Nhiều năm qua, thầy Long được đồng nghiệp kính trọng, học viên (HV) tin yêu không chỉ là GV dạy giỏi mà hơn hết là cách sống giản dị, chan hòa với tất cả những thế hệ học trò đến với trung tâm. Tốt nghiệp ĐHSP TP.HCM Khoa Lịch sử và Toán - Tin, thầy giáo trẻ Bảo Long không về Vũng Tàu cho gần gia đình bố mẹ mà quyết ở lại với sự nghiệp trồng người trên mảnh đất đã đào tạo mình. Cũng vì quyết định này mà thầy đã phải “trả giá” đắt khi gặp không ít “chướng ngại vật” bởi sức học của HV yếu không thể tưởng tượng nổi do đầu vào của GDTX quá thấp. Người có chí học được thì lớn tuổi tiếp thu chậm, HV trẻ thì quậy thích bỏ tiết hơn vào trường. Nhưng với lòng nhiệt huyết thầy đã đặt ra phương châm: “Mỗi HV không chỉ là học trò của mình mà còn là người bạn, người em nên ngoài việc truyền đạt kiến thức trên bục giảng tôi còn là người bạn luôn chia sẻ, động viên và đôi lúc lại hóa thân vào một người anh rất nghiêm khắc với từng HV của mình”.

Cống hiến vì cái tâm

Năm 2009, trong hội thi GV dạy giỏi cấp TP, thầy giáo Bảo Long đã giành được giải nhất của hội thi GDTX trong sự nể phục của đồng nghiệp. Đó cũng là cánh cửa rộng mở để thầy có thêm cơ hội liên tiếp bồi dưỡng đội ngũ HV giỏi tại trung tâm đem tài năng thi thố với các đơn vị bạn để nâng dần tỷ lệ HV giỏi toàn thành. Ngoài danh hiệu GV trẻ tiêu biểu TP.HCM, đây là năm thầy Nguyễn Trần Bảo Long đạt các giải thưởng “kép” mà tiêu biểu là giải Võ Trường Toản do Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng.

Vất vả là thế nhưng ít ai biết rằng đây là khoảng thời gian thầy chịu nhiều thiệt thòi nhất về quyền lợi vì 9 năm trời không có chế độ đãi ngộ gì ngoài đồng lương của một GV hợp đồng. Nếu công tác ở môi trường khác chắc chắn thầy đã có nhiều thuận lợi hơn. Tuy không được đền bù xứng đáng về chế độ lương và thâm niên công tác nhưng không phải vì thế mà thầy “buông xuôi” tất cả. Với sự nhiệt thành của sức trẻ đầy năng lượng, thầy giáo quê gốc ở Quảng Bình vẫn lao vào các hoạt động và mong đóng góp của mình là một hạt phù sa để bồi đắp nền tảng tri thức và nhân cách cho các thế hệ HV phải lỡ gánh trên con đường học hành và mưu sinh. Có trách nhiệm khi bước lên bục giảng, những bài học của thầy giáo tổ trưởng tổ sử đã miệt mài nâng cao kiến thức cho các em HV để nâng dần chất lượng “đầu ra”.

Những thành tích nổi bật trong mỗi bước đi của đơn vị đều có dấu ấn khó phai mờ của thầy trợ lý thanh niên Bảo Long và sau này là Bí thư Chi đoàn GV, Chủ tịch Công đoàn cơ sở và Phó Giám đốc trung tâm. Dù ở cương vị nào, thầy giáo Nguyễn Trần Bảo Long cũng mang theo hai chữ “cống hiến” với sự nhiệt thành không ngại khó. “Tả đột hữu xung” từ đoàn thể sang chính quyền, vai trò nào thầy cũng xứng đáng là “lá cờ đầu” của mọi phong trào thi đua.

Người thầy là người phải học suốt đời. Tâm niệm với ánh sáng chân lý này, thầy Long không hề bỏ lỡ cơ hội học tập nào để cùng lúc có bằng cử nhân lịch sử và cử nhân toán - tin từ thời mặc áo sinh viên và sau này là thạc sĩ quản lý giáo dục, trung cấp lý luận chính trị trong những giai đoạn khó khăn nhất. Có thể nói tấm gương của thầy là niềm tự hào của Q.Phú Nhuận và TP.HCM vì những đóng góp cho phong trào BTVH của giáo dục không chính quy. Nhưng với thầy niềm hạnh phúc nhất là đã có nhiều thế hệ HV được Trung tâm GDTX Phú Nhuận dày công dạy dỗ nay đã trưởng thành với nhiều nghề nghiệp và chỗ đứng khác nhau.

Bài, ảnh: Hương Thủy