Thứ sáu, 25/5/2018, 19h25

Cần có đề án phát triển nông nghiệp 4.0

Là chủ đề của Diễn đàn công nghệ Nông nghiệp và Thủy sản Mekong 2018, do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) phối hợp Sở KH&CN TP Cần Thơ, Trường Đại học Cửu Long và Hiệp hội thông tin công nghiệp Châu Á (AIPA) tổ chức ngày 25-5. Đây là diễn đàn lần đầu tiên tổ chức tại Đồng bằng sông Cửu Long với 40 gian hàng giới thiệu công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

Nghi thức cắt băng khai mạc diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Vai trò của KH&CN với phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng Sông Cửu Long dù đã đạt một số thành quả nhưng nhìn chung chưa như mong muốn, cụ thể là KH&CN chưa là động lực then chốt. Thời gian tới cần phải thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của vùng. Đặc biệt là các công nghệ tiên tiến, thông minh và tự động, công nghệ trên nền tảng IoT. Qua đó từng bước góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh hàng hóa tiến tới làm thay đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Đại biểu tham quan các gian hàng

Hàng chục giải pháp công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp (DN) giới thiệu tại diễn đàn. Một số công trình được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm như: Hệ thống tưới nhỏ giọt ứng dụng cho cây ăn quả theo công nghệ Israel của công ty Netafim; Công nghệ trồng sâm thủy canh siêu năng suất của Cty Wooridul Farm (Hàn Quốc) giúp sản xuất sâm chất lượng cao mà không cần đất.

Cây bonsai Nấm Linh Chi của Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Long được nhiều đại biểu quan tâm

Các công nghệ thông minh phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững như: Thiết bị lọc cơ học CENFILTER giúp cải thiện môi trường nước thải; Công nghệ vi sinh BACS nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường; Công nghệ Ion hóa nước bằng sóng điện từ - Giải pháp xử lý nước hiệu quả trong nông nghiệp...

Trình diễn máy bay không người lái UAV phun thuốc bảo vệ thực vật

Thảo luận về “Đặc điểm, xu hướng nông nghiệp 4.0 trong trồng trọt trên thế giới và các ngành có thể tiếp cận tại Việt Nam”, các chuyên gia đánh giá cao việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Chẳng hạn: Hà Lan áp dụng công nghệ này tăng lợi nhuận trong sản xuất khoai tây lên 21%. Trong khi đó, Việt Nam không ứng dụng 4.0 nên giá thành sản xuất ngô cao hơn gấp đôi Mỹ, gần gấp rưỡi Thái Lan.

Để phát triển nông nghiệp 4.0, các đại biểu đề xuất Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đề án phát triển nông nghiệp 4.0 cho cả nước và từng vùng sinh thái. Đồng thời thành lập ngân hàng chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0, dành nguồn kinh phí cho nghiên cứu, ứng dụng các thiết bị thông minh; Cung cấp đất miễn phí và hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, chăn nuôi; Chính phủ có chính sách ràng buộc các sản phẩm bày bán trên các sạp hàng, siêu thị, phải dán tem thông minh để người tiêu dùng truy xuất.

ĐAN PHƯỢNG