Thứ ba, 3/11/2015, 21h08

Cần định hướng rõ hơn về xây dựng con người

Ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM khóa IX (2010-2015) tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X (2015-2020) ra mắt đại hội tại phiên bế mạc sáng 17-10-2015. Ảnh: I.T

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 (từ ngày 13 đến 17-10), các đại biểu tham dự đại hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ XII của Đảng (dự kiến tổ chức vào đầu 2016). Theo đó khá nhiều ý kiến đóng góp cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...

Hầu hết ý kiến nhất trí với nội dung phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam năng động, sáng tạo, hiền hòa, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Tuy vậy cũng có một số ý kiến cho rằng, dự thảo nêu vấn đề còn mang tính tổng quát, chưa cụ thể về xây dựng con người phát triển một cách toàn diện, cần định hướng rõ hơn về xây dựng tính cách của con người Việt Nam; giáo dục đạo đức con người chưa được quan tâm đúng mức, ý thức của người dân còn kém trong việc chấp hành luật lệ giao thông; còn bệnh hình thức trong mọi hoạt động của người dân. Đồng thời, các lễ hội được tổ chức quá nhiều và thiếu kiểm soát, tục mê tín dị đoan vẫn còn; đạo đức xã hội có chiều hướng đi xuống, nhất là trong giới trẻ, có biểu hiện côn đồ, mất nhân tính, hành động dã man...

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém này, nhiều ý kiến đề nghị trong phương hướng và giải pháp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, các quy định cụ thể của Nhà nước. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tập trung nhiều hơn ở vùng sâu, vùng xa nhằm tuyên truyền giáo dục văn hóa lành mạnh, phong phú. Qua đó không để kẻ gian lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân để gây chia rẽ, mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, phát huy và kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc; chú trọng giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có lý tưởng cho Nhân dân, nhất là thanh niên tạo sức đề kháng trước tình hình hiện nay...

Cũng có một số ý kiến đề nghị xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa, đổi mới phương thức lãnh đạo, định hướng xây dựng đạo đức của cán bộ, công chức luôn vì lợi ích chung của xã hội để giữ vững lòng tin của Nhân dân; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào đời sống xã hội.

Đặc biệt, khá nhiều ý kiến đề nghị tăng cường quản lý nội dung các trang mạng xã hội, báo mạng, tránh tạo dư luận tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội. Quản lý chặt nội dung phát sóng của các kênh truyền hình, hệ thống internet tránh gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em chưa đến tuổi vị thành niên. Với báo chí, tăng cường công tác quản lý, phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại; chú trọng giới thiệu gương người tốt - việc tốt, khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn; đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Song song đó, báo chí phải biết đánh giá, phân tích, đấu tranh phê phán và bài trừ cái lạc hậu, cái ác, những hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến việc xây dựng con người Việt Nam...

Ngoài ra cũng có nhiều ý kiến đề xuất tăng cường trách nhiệm của nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục học sinh, chú trọng vai trò của gia đình; quản lý chặt chẽ hoạt động lễ hội, loại bỏ ngay những văn hóa mang tính hình thức, tốn kém, phức tạp tại các địa phương; phát triển văn hóa gắn với du lịch, khai thác tiềm năng du lịch, quảng bá, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, tạo nhiều sân chơi công cộng miễn phí cho thanh thiếu niên, đề cao vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tạo môi trường văn hóa lành mạnh đủ sức đẩy lùi những thói hư tật xấu.

Hoa Triều (tổng hợp)

Ông Nguyễn Đức Chung được đề cử là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội

Ngay sau khi bế mạc Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội 2015-2020, sáng 3-11, Thành ủy TP.Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả đại hội.

Về phân công nhiệm vụ cho 2 tân Phó Bí thư Thành ủy là ông Đào Đức Toàn và Nguyễn Đức Chung, ông Đào Đức Toàn cho biết: “Tôi sẽ phụ trách mảng xây dựng Đảng. Còn đồng chí Nguyễn Đức Chung, sau đại hội này, đồng chí sẽ được giới thiệu, đề cử là Chủ tịch UBND Hà Nội”.

Sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết và đổi mới, Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội khóa XVI đã bế mạc, hoàn thành tốt đẹp các nội dung, chương trình đề ra.

Thay mặt cho Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.Hà Nội hứa: Để thực hiện tốt định hướng phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ mới, ngay sau đại hội, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI và từng đồng chí đại biểu, đại diện cho cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị phải bắt tay ngay vào việc cụ thể hóa và chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả nghị quyết đại hội. Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội thành phố cần có kế hoạch quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô Nghị quyết XVI Đảng bộ thành phố, gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, nhằm sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống…

Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội khóa mới đã ra mắt gồm 74 đồng chí. Ban chấp hành cũng đã bầu 16 đồng chí vào Ban Thường vụ; bầu 4 phó bí thư gồm các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Đào Đức Toàn, Nguyễn Đức Chung và Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Thu Thủy/VOV.VN