Thứ bảy, 7/3/2009, 13h03

Cần giúp các trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo

Nợ chuẩn hoặc qua thời gian, cơ sở vật chất đã xuống cấp, không còn đáp ứng được những tiêu chuẩn của một trường chuẩn quốc gia, đó là trường hợp không hiếm gặp tại các địa phương hiện nay. Đây cũng là điều khiến tôi trăn trở khi đến thăm một số trường chuẩn quốc gia tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Trường tiểu học Liên Hào nằm bên con đường liên thôn tại xã Kiến Thiết. Chắc chắn, nếu không được giới thiệu trước, không ai nghĩ, đó là một ngôi trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ngôi trường cũ kỹ, đoạn tường vây chưa che đủ ¼ diện tích quanh trường trở nên vô duyên vì hầu như chẳng có tác dụng, đặc biệt là dãy nhà cấp 4 cũ kỹ bị sập ngói tan hoang hẳn một phòng nằm gần sát cổng trường. Ông Vũ Mạnh Ân, hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường Liên Hào được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào ngày 10/1/2001. Khi được công nhận đạt chuẩn, trường được Sở cho “nợ” hai công trình, một là hệ thống tường vây, hai là công trình vệ sinh dành cho giáo viên. Tính đến nay đã gần chục năm, đó vẫn là “món nợ khó đòi” vì trường không thể và không có cách nào để trả. Giáo viên và học sinh cùng chung một công trình vệ sinh chật hẹp, xuống cấp lại không có mái lợp nên bất tiện đã đành. Nhưng, vất vả nhất có lẽ là bảo vệ nhà trường. 4 mặt trường có đến 3 mặt không có tường bao: Mặt trước giáp với con đường liên thôn, bên trái là con kênh đào tương đối rộng và sâu còn bên phải trước vốn là một cái ao rộng, nay đã bị lấp nên vô hình trung biến trường thành có “hai mặt đường”. Mặc dù, sau khi tan trường, các phòng, lớp học đều khoá trong, khoá ngoài cẩn thận nhưng bảo vệ vẫn phải hoạt động hết công suất. Đặc biệt, những ngày lễ, Tết được nghỉ dài ngày, trường phải chuyển toàn bộ máy móc vào phòng bảo vệ để đảm bảo an toàn. Không có hệ thống tường bao xung quanh, việc quản lý học sinh đi muộn, trốn tiết, đảm bảo an toàn cho các em khi ra chơi … cũng gặp rất nhiều khó khăn, nếu quản lý không tốt sẽ dễ gặp phải những sự cố đáng tiếc. Dãy nhà cấp 4 xuống cấp đến nỗi bị sập toàn bộ phần mái một phòng chỉ cách đó chưa tròn năm vẫn được sử dụng làm phòng học. May mắn là lớp học đã được chuyển đi trước khi sự cố xảy ra, nhưng bức tường trống và phần ngói còn sót lại vẫn là mối nguy hiểm đối với học sinh nếu các em chơi quanh khu vực đó. Tôi thấy rõ những trăn trở của hiệu trưởng nhà trường khi nói về thực trạng khó khăn về cơ sở vật chất của ngôi trường mình quản lý. Nhà trường thì không đào đâu ra kinh phí cũng không thể trông vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương vì hiện xã còn nợ ngân sách lên tới vài tỷ đồng. Vừa rồi, nhà trường được huyện hứa sẽ cấp cho 50 triệu để xây nhà vệ sinh cho giáo viên nhưng không dám xây vì sợ không thể bảo quản được do tường bao chưa có. Đợi có đủ kinh phí để xây tường bao thì không biết tới bao giờ. Đó là cái vòng luẩn quẩn thật khó để thoát ra.

Được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm học 2000-2001 nhưng hiện nay, Trường tiểu học Tiên Thắng (xã Tiên Thắng) vẫn còn 12 trên tổng số 20 phòng học là phòng học cấp 4 đã xuống cấp và là trường còn nhiều phòng học cấp 4 nhất trên địa bàn huyện. Hai dãy phòng học cấp 4 này đã được xây dựng từ năm 1970, mặc dù hàng năm đều được tu sửa, đảo ngói để chống dột nhưng vẫn không ngăn được sự xuống cấp hiện hữu trên những mảng tường tróc lở, trát vá và bị dột mái mỗi khi trời mưa to gió lớn. Hệ thống cửa ra vào, cửa sổ của nhiều phòng học được đóng bằng gỗ bạch đàn vẫn nguyên xi sau gần 40 năm. Thời gian, mưa gió làm một số cửa sổ dù cố gắng khép hết cỡ vẫn hở ra cả gang tay, không thể chắn nổi mưa gió. Cô Trần Thị Đông, hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù chất lượng đội ngũ, chất lượng học sinh của trường tương đối cao so với mặt bằng chung của huyện nhưng cơ sở vật chất trường học vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài phòng học cấp 4, trường còn thiếu phòng ngoại ngữ, tin học, phòng máy tính, phòng chờ cho giáo viên còn dùng chung với phòng hội đồng. Mặc dù, công tác xã hội hoá giáo dục được nhà trường phát huy rất tốt, đặc biệt là sự đóng góp của Hội cha mẹ học sinh. Ví như, do trường hay mất điện, đầu năm 2009, hội cha mẹ học sinh đã mua tặng trường một máy phát điện trị giá trên 14 triệu. Tuy nhiên, việc xoá phòng học cấp 4 cần một lượng kinh phí quá lớn, nhà trường chỉ có thể trông cậy vào sự quan tâm của chính quyền địa phương và các dự án giáo dục.

Theo bà Phạm Thị Loan, phụ trách mảng tiểu học của Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tiên Lãng, hiện khối tiểu học có số lượng trường đạt chuẩn cao nhất trong huyện: 23 trường đạt chuẩn trên tổng số 26 trường (con số này ở bậc học mầm non trong huyện là 3/25 trường; THCS là 2/23 trường). Tuy nhiên, phải quá nửa trên tổng số các trường đã được công nhận đạt chuẩn ở khối tiểu học của huyện hiện nay, nếu xét lại sẽ không còn đủ tiêu chuẩn đạt chuẩn. Hầu hết những trường rơi vào tình trạng này đều được công nhận đạt chuẩn vào giai đoạn từ năm 1988 đến năm 2003 mà nguyên nhân hoặc do nợ chuẩn đến nay vẫn chưa trả được hoặc qua thời gian, cơ sở vật chất trường lớp đã xuống cấp. Trường tiểu học Tiên Thanh, tiểu học Vinh Quang cũng giống như tình trạng của Liên Hào là chưa có hệ thống tường bao, lại thêm vẫn còn phòng học cấp 4 đã xuống cấp, nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn, không có hệ thống máng nước rửa tay cho học sinh, phòng thư viện và phòng thiết bị còn dùng chung. Tiểu học Quang Phục, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia sớm nhất huyện (năm 1998) dù trường lớp tương đối khang trang, ngoài phòng vi tính chật chội thì khu vực sân chơi đã xuống cấp rất trũng. Còn lại, tình trạng chung của các trường là phòng chức năng hoặc thiếu, hoặc chưa đủ tiêu chuẩn, những phương tiện, đồ dùng phục vụ cho các phòng này cũng rất thiếu, chỉ có để phục vụ cho giáo viên dạy chứ chưa có để cho học sinh học. Ví dụ như Trường tiểu học Tiên Tiến, đồ dùng cho các hoạt động đoàn đội chỉ có duy nhất một bộ trống cũ đã sử dụng hơn chục năm.

Tiên Lãng là một huyện kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhiều xã trong huyện hiện còn nợ ngân sách khoản tiền không nhỏ, trong khi đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất lại nằm ngoài khả năng của nhà trường. Ít có hy vọng nhận được sự giúp đỡ về kinh phí của chính quyền xã, niềm hy vọng của các trường đặt vào các dự án giáo dục hoặc nguồn kinh phí từ xã hội hoá giáo dục, nhưng cũng theo bà Loan, công tác xã hội hoá giáo dục ở địa phương còn chưa thực sự phát huy được sức mạnh. Để giữ vững được danh hiệu trường chuẩn quốc gia với các trường vì vậy mà không hề đơn giản. Đây thực sự là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa của nhà trường cũng như các cấp chính quyền và ngành vì chắc chắn, vấn đề này không phải là thực trạng chỉ có ở huyện Tiên Lãng.

Nguyễn Nhung (GD&TĐ)