Thứ năm, 17/5/2018, 21h32

Cần Thơ: Trường nghề ngày càng khó tuyển sinh

Năm 2017, trong khi các trưng ĐH trên đa bàn TP.Cn Thơ tuyn sinh đt t hơn 65% đến 100% ch tiêu, thì các trưng ngh (gm CĐ, TC) nhìn chung kết qu tuyn không kh quan.

Sinh viên Trưng CĐ Cơ đin và nông nghip Nam b (TP.Cn Thơ) trong gi thc tp

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, trên địa bàn TP có 10 trường CĐ (gồm 7 trường của TP và 3 phân hiệu) và 14 trường TC. Các trường CĐ tuyển được 6.928 sinh viên (SV); còn trường TC và CĐ tuyển sinh bậc TC tuyển được 1.986 học sinh. Không chỉ ở TP.Cần Thơ, rất nhiều trường nghề ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ tuyển được vài chục học sinh, chẳng hạn Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long tuyển được 80 học sinh.

Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Cần Thơ, năm 2017 nhu cầu tuyển dụng cao nhất là nhóm ngành nghề kinh doanh và quản lý (chiếm 21,67% tổng số nhu cầu nhân lực); nhóm ngành nghề dịch vụ khách hàng chiếm 14,02%. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực theo trình độ như sau: lao động có trình độ ĐH và trên ĐH: 21,16%; CĐ: 12%; TC: 28%; sơ cấp: 4%; lao động phổ thông: 38%. Số liệu trên cho thấy thị trường rất cần lao động nghề. Thế nhưng, nghịch lý là việc tuyển sinh ở các trường nghề ngày càng khó khăn.

Lãnh đạo các trường nghề đều cho rằng: Năm 2017, do bị khống chế về điểm sàn ĐH nên các trường nghề còn tuyển được người học. Tuy nhiên, năm nay việc bỏ điểm sàn ĐH của Bộ GD-ĐT cùng với xét học bạ để tuyển sinh, kết hợp với tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT gần như “kịch trần” sẽ khiến các trường nghề khó khăn thêm, có khả năng đóng cửa vì không còn nguồn tuyển. TS. Hồ Thanh Tâm (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ) cho rằng hiện nay các dự báo về nguồn nhân lực chưa kịp thời, chưa có thông tin về nhu cầu việc làm của xã hội nên rất nhiều học sinh chọn trường, chọn ngành nghề theo số đông, hoặc đăng ký theo bạn bè. Để công tác đào tạo đáp ứng thị trường lao động, giảm số người thất nghiệp khi học xong ĐH, việc khảo sát về nhu cầu lao động của xã hội và công tác hướng nghiệp cần được các trường và ngành chức năng làm bài bản hơn, qua đó giúp học sinh lớp 12 chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp năng lực và nhu cầu xã hội. Ông Tâm nhấn mạnh: “Bộ GD-ĐT cần có cơ chế điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH trên một vùng tuyển sinh. Đặc biệt, theo tôi, các trường ĐH không nên tuyển bằng hình thức xét học bạ, vì như vậy tất cả học sinh tốt nghiệp THPT đều vào học ĐH, trong đó có những em không đủ năng lực cũng vào học sau đó bỏ ngang vì không theo nổi, khiến lãng phí thời gian và tiền bạc”.

Trong khi đó, GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ) thẳng thắn nói: “Quy chế tuyển sinh năm 2018 của Bộ GD-ĐT giúp các trường ĐH tuyển dễ dàng hơn, các trường ĐH lớn sẽ tuyển ào ạt. Và Bộ GD-ĐT vẫn không giải quyết được vấn đề chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, đặc biệt là không kiểm soát được đầu ra dù bộ cũng đã ban hành một số quy định. Mặt bằng trình độ chung của học sinh không đồng đều, bỏ điểm chuẩn sẽ không xác định được ngưỡng bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH, đồng thời không tạo động lực học tập tốt cho các em. Làm trầm trọng thêm tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Các trường ĐH không dự liệu được số lượng thí sinh dẫn đến tình trạng thí sinh ảo”.

ThS. Trần Thị Thu Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang) bức xúc: “Năm 2017, trường chúng tôi không tuyển được hệ TC, chỉ tuyển được 250 sinh viên CĐ, các em này đều không đạt điểm sàn vào ĐH; trong đó có 30 em học ngành công nghệ thực phẩm, 40 em học CĐ tiếng Anh, còn lại là CĐ tiểu học và CĐ mầm non. Lý do các em chọn sư phạm là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sư phạm được miễn học phí. Năm nay Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn, trường chúng tôi sẽ đi tới đóng cửa, vì thực tế khi chúng tôi đến nhà dân vận động, làm công tác tuyển sinh, rất nhiều phụ huynh nói thẳng: “Nếu con tôi vào được ĐH thì khùng hay sao mà bắt nó học CĐ?”. Chúng tôi rất quyết tâm và kiên trì chăm lo cho trường, cho người học, nhưng với cơ chế tuyển sinh hiện nay, chúng tôi rất lo công tác tuyển sinh của trường sẽ phá sản”.

Nếu không có giải pháp đúng đắn trong phân luồng, Việt Nam sẽ ngày càng “thừa thầy, thiếu thợ”, tăng số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp… ThS. Huỳnh Ngọc Chinh (Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ) kiến nghị: “Bộ GD-ĐT cần duy trì điểm sàn ĐH và điểm sàn CĐ như trước đây. Ai không đủ điểm sàn thì học TC, như vậy mới đảm bảo chất lượng đầu vào và cơ cấu đào tạo hợp lý, hạn chế phần nào số cử nhân ra trường thất nghiệp”.

Trong khi đó, ông Châu Hồng Thái (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ) phân tích: “Với tâm lý chuộng bằng cấp phổ biến trong xã hội và các trường ĐH mở quá nhiều như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh nào cũng có trường ĐH hoặc phân hiệu trường ĐH, cùng quy chế tuyển sinh quá thoáng, các trường ĐH sẽ thu hút gần hết người học, dẫn đến hệ quả là các trường nghề rất khó khăn trong tuyển sinh. Tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cần ngồi lại với nhau, bàn bạc để có phương án đào tạo nhân lực hợp lý, có biện pháp khoa học và cụ thể để làm tốt chủ trương phân luồng trong thời gian tới”.

Đan Phưng