Thứ hai, 13/9/2010, 14h09

Câu chuyện rùa tai đỏ

40 tấn rùa tai đỏ nguy hại cho môi trường được Công ty cổ phần Xuất khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) nhập về Việt Nam làm thực phẩm, đến nay đã có gần 8.000 con bị chết. Trước đó, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - đã có tối hậu thư cho Caseamex yêu cầu công ty này phải khẩn trương xử lý số rùa “độc” nói trên trước ngày 5-9-2010 bằng cách: nếu không tái xuất, thì phải giết mổ chế biến hoặc tiêu hủy toàn bộ. Tuy nhiên đến nay, toàn bộ số rùa tai đỏ nguy hại trên vẫn chưa được xử lý. Phía công ty nhập khẩu đã tìm đến chiếc phao để “cứu” đàn rùa này ở lại VN là chờ đến khi có phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án Nhân dân TP. Cần Thơ. Tại sao doanh nghiệp nhập khẩu sinh vật ngoại lai độc hại như thế luôn tìm cách đối phó với những chỉ đạo của cấp trên, nhằm không đưa ra khỏi đất nước (từ khi phát hiện vào tháng 4-2010 đến nay)? Ai cũng biết rằng, loài sinh vật độc hại này sẽ không bao giờ có đất sống ở những quốc gia khác, vì người ta đã quá biết đến sự độc hại của nó. Các nhà khoa học đã xếp rùa tai đỏ là loài vật nằm trong danh sách 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Rùa tai đỏ được thế giới cảnh báo và đa số các quốc gia đều cấm nhập khẩu do giống rùa này không chỉ là loài xâm hại nguy hiểm, mà còn mang vi khuẩn Salmonella có thể truyền bệnh cho người.
Chẳng lẽ VN lại không biết đến chuyện rùa tai đỏ gây độc hại? Chắc chắn là biết. Cụ thể là theo Thông tư 53/2009 của Bộ NN&PTNT về quy định quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai tại VN, rùa tai đỏ thuộc loài không được nhập khẩu thông thường vào VN. Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 60/2009/TT-BNNPTNT, khi nhập khẩu các loài sinh vật ngoại lai từ nước ngoài vào VN, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ tính chất, đặc điểm đối tượng và có quá trình khảo nghiệm. Tuy nhiên, Caseamex đã nại ra “lời bào chữa” là không rõ tác hại và nhập rùa tai đỏ một cách thiếu thận trọng, không chỉ gây ảnh hưởng môi trường sinh thái, mà còn là mối hiểm họa chưa thể lường trước được về sau này.
 Hiện nay, trong khi cơ quan chức năng còn lúng túng chưa biết phải giải quyết thế nào và phía Caseamex liên tục xin gia hạn cho được nuôi nhốt rùa tai đỏ ở lại VN, thì người dân sống gần trang trại Trung tâm Giống kỹ thuật thủy sản ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đang hết sức lo lắng trước nguy cơ rùa tai đỏ sinh sản và thoát ra ngoài môi trường tự nhiên sẽ gây nguy hại đến cân bằng hệ sinh thái. Và hiện nay, không biết từ đâu, số rùa tai đỏ đã được lực lượng kiểm lâm An Giang phát hiện rất nhiều trên núi Cấm. Ở Bến Tre, rồi ngược ra Đà Nẵng cũng thế. Tuy hiện nay lực lượng kiểm lâm đang ráo riết diệt số rùa tai đỏ phát tán ra môi trường tự nhiên, nhưng vấn đề cốt lõi ở chỗ là cần phải xử lý triệt để số rùa tai đỏ đang được nuôi nhốt nói trên, cùng với việc làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị đã thiếu thận trọng trong câu chuyện nhập loài sinh vật ngoại lai độc hại này.
Anh Huy