Chủ nhật, 1/12/2013, 12h12

Chăm... dạy thêm, lười nghiên cứu

Vì bận… dạy thêm nên nhiều giáo viên phổ thông không còn thời gian tự học nâng cao năng lực, tự nghiên cứu, thực hiện sáng kiến kinh nghiệm…
Trong khi đó, không chủ động nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu, chính giáo viên sẽ nhanh chóng bị lạc hậu, lỗi thời.
Nhiều rào cản
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” do Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức ngày 29-11, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, không ít giáo viên phổ thông “than” không đủ thời gian cho tự học, nghiên cứu nhưng thực chất lại có thời gian… dạy thêm. Giáo viên Nguyễn San Hà (Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1) nêu thực tế, giáo viên dạy các môn được xem là “chính” như toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ thường dành gần như hết ngày để dạy thêm nên không còn thời gian tự bồi dưỡng chuyên môn hay nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy. Ngay cả những giáo viên đảm trách các môn hay bị xem là “phụ” dù không dạy thêm nhưng cũng… làm thêm các việc “tay trái” khác, càng không có điều kiện tự bồi dưỡng hay nghiên cứu. Điều này dẫn đến hệ quả đáng buồn là giáo viên không xem trọng chính môn mình giảng dạy.
Theo giáo viên San Hà, thực trạng này khó tránh khỏi ở các trường phổ thông, khi mà chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với giáo viên vẫn còn nhiều bất cập như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Mai Thảo (Trường CĐ Sư phạm Long An) cũng nêu thêm, lương không được trả theo hiệu quả công việc mà theo kiểu “đến hẹn lại lên” nên không khuyến khích được người thầy nâng cao trình độ và chuyên tâm với nghề. Nhiều sinh viên sư phạm giỏi vẫn… bỏ nghề để đi làm cho các công ty với mức lương hấp dẫn.
Đánh giá khác cũng thừa nhận việc tự học và nghiên cứu ở trường phổ thông hiện chưa được quan tâm đúng mức. Thư viện tại các trường phổ thông hiện nay còn nghèo nàn sách, tài liệu tham khảo hay tạp chí khoa học chuyên ngành cho giáo viên. Khâu đề xuất chi phí mua sách, tài liệu mới phục vụ tham khảo tại trường phổ thông khá phức tạp nên giáo viên thường phải tự bỏ tiền túi mua thêm sách tham khảo, cập nhật cho bài giảng.
Thời gian tự học, tự nghiên cứu của giáo viên phổ thông còn bị eo hẹp bởi họ còn phải đảm trách quá nhiều công tác ngoài chuyên môn, giải quyết rất nhiều thủ tục, sổ sách, giấy tờ mang tính hành chính.
Bên cạnh những khó khăn khách quan, PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục) nhìn nhận, vẫn còn một bộ phận giáo viên tự bằng lòng với khả năng, với kiến thức chuyên môn đã được học tại trường ĐH và thâm niên kinh nghiệm. Tình trạng đối phó với thi cử và vắng mặt trong các buổi bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên diễn ra phổ biến. Chính những điều này lí giải vì sao thời gian qua, hoạt động tự học, tự nghiên cứu trong giáo viên phổ thông vẫn chưa tạo được dấu ấn.
Không thể “bỏ quên” nghiên cứu
Trong khi đó, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cũng như tất cả các lĩnh vực, khối lượng kiến thức mới không ngừng được cập nhật, nếu giáo viên không tự học, tự nghiên cứu thì sẽ không đáp ứng được hiệu quả dạy học và nhanh chóng lạc hậu, lỗi thời. PGS. Oanh cho rằng, trong hoàn cảnh công việc bộn bề của người giáo viên hiện nay, yếu tố quan trọng hàng đầu là mỗi giáo viên cần nhận thức được lợi ích và sự cần thiết của việc tự học, tự nghiên cứu, từ đó mới quyết tâm cao. Cụ thể mỗi giáo viên cần biết mình đang thiếu những kiến thức gì để xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng phù hợp hoàn cảnh và điều kiện công tác.
Bên cạnh nội lực của giáo viên, nhiều ý kiến khác cũng tập trung vào vấn đề cải thiện mức lương để giáo viên đỡ áp lực chuyện “cơm áo gạo tiền” mà toàn tâm toàn ý giảng dạy, học tập, nghiên cứu. ThS. Lê Tấn Huỳnh Cẩm Giang (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu quan điểm rằng các nhà quản lý giáo dục cần cảnh giác với những quyết định chính sách có thể gia tăng áp lực hành chính lên người giáo viên. Trong điều kiện lương ít việc nhiều, nếu đòi hỏi giáo viên phải dành thời gian tự học, tự nghiên cứu mà không trả thêm tiền lương cho số giờ làm việc tăng thêm này đồng nghĩa cắt giảm tiền lương một giờ lao động của giáo viên, gây giảm sút chất lượng giảng dạy.
Giáo viên San Hà đề cập việc đánh giá hiệu quả để các phong trào thi đua như sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên dạy giỏi… được thực chất. Thực tế, hoạt động này thời gian qua do mới chỉ dừng lại ở mức độ… phong trào dẫn đến thiếu đầu tư làm cho các sáng kiến kinh nghiệm khó đạt khả năng hiện thực hóa và nhân rộng ra những trường khác. “Đau lòng hơn, từ các phong trào thi đua trên, cũng có những nội dung sao chép lại từ mạng internet hoặc các tiết dạy thiếu tính thực tế khiến các thế hệ giáo viên trẻ cũng dần nguội tắt “lửa” nghề” - giáo viên San Hà chia sẻ
Mê Tâm