Thứ năm, 25/8/2016, 14h44

Chàng nông dân Đắk Lắk tiếng Anh bập bẹ chinh phục đại học hàng đầu Mỹ

'Hãy học cách tận dụng tối đa nguồn tài nguyên bên mình để làm từ việc nhỏ đến việc lớn hơn, bắt đầu với việc học tập tốt hơn ở trường, rèn luyện kỹ năng, đọc nhiều sách', Đỗ Liêng Quang chia sẻ kinh nghiệm.

Trong suy nghĩ của những đứa trẻ lớn lên nhờ nương rẫy ở huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) việc được học con chữ, đỗ đại học và kiếm được việc làm để sống tốt phần đời còn lại đã là một thành công. Thế nhưng, Đỗ Liêng Quang (sinh năm 1993, tại Krông Ana, Đắk Lắk), con trai của một người trồng cà phê, lại không đi vào lối mòn tư duy ấy.

Sau khi tốt nghiệp tại Mỹ, Liêng Quang dự định sẽ học thêm về kinh doanh để về nước mở công ty riêng... /// Ảnh: NVCC
Sau khi tốt nghiệp tại Mỹ, Liêng Quang dự định sẽ học thêm về kinh doanh để về nước mở công ty riêng... Ảnh: NVCC

Khi còn học lớp 11, Quang đã muốn mình làm một thứ gì khác để cuộc đời trở nên hào hứng hơn. Trong lúc đám bạn vùi đầu vào sách vở để có điểm số tốt, Liêng Quang lên mạng và săn học bổng. Ngoài ước muốn được bước ra chân trời mới, 9X còn hy vọng số tiền học bổng sẽ giúp cha mẹ anh bớt đi phần nào áp lực chi trả tiền học phí cho con.

Những ngày đầu năm 2010, Quang hì hụi viết hồ sơ du học bằng vốn tiếng Anh bập bõm, phải nhờ đến sự hỗ trợ của Google dịch cùng một cuốn từ điển cũ…

Tham vọng chinh phục trường Tây

Như một giấc mơ có thật, chỉ ít tháng sau khi bộ hồ sơ được gửi đi, Liêng Quang nhận tin mình là một trong số 20 học sinh được ra Hà Nội tham gia vòng phỏng vấn trực tiếp. 9X vỡ òa trong hạnh phúc bởi chỉ cần điều đó thôi đã đủ để củng cố thêm niềm tin rằng cậu thật sự có khả năng gì đó.

Đến nay, dù đã đến 14 đất nước ở các châu Á, Âu và Bắc Mỹ, song Liêng Quang vẫn nhớ như in niềm vui ngập tràn của tuổi 17 khi đặt chân đến thủ đô, một mình chinh phục ước mơ.

Quang nhớ lại: “Mình không nghĩ nhiều tới việc kết quả cuối cùng sẽ như thế nào, bởi vì chuyến đi đó có quá nhiều thứ mới mẻ khiến mình tò mò, từ việc các bạn thí sinh khác như thế nào, cuộc sống ở thủ đô ra làm sao, lạ lẫm khi nói chuyện với người nước ngoài lần đầu tiên (thầy cô trong ban tuyển sinh). Chúng mình đi phỏng vấn là để được ra nước ngoài du học, nhưng với mình, Hà Nội cũng giống như nước ngoài rồi”.

Chàng nông dân Đắk Lắk tiếng Anh bập bẹ chinh phục đại học hàng đầu Mỹ - ảnh 2
Từ một học sinh trường huyện ở Đắk Lắk, Liêng Quang nhận học bổng đến Hà Lan rồi trở thành cử nhân trường ĐH hàng đầu tại Mỹ Ảnh NVCC
Trên chuyến xe khách từ Hà Nội trở về Đắk Lắk, 9X lâng lâng khi biết tin mình đậu trường United World College (UWC) Hà Lan với mức học bổng 20.000 euro/năm học (khoảng 500 triệu đồng). Tháng 8.2010, Liêng Quang rời cuộc sống nương rẫy để đi du học, điều mà chỉ vài tháng trước mọi người xung quanh anh vẫn cho là “viển vông”, “điên rồ”.

Quang không biết chắc lý do để ban tuyển sinh Hà Lan chấp thuận hồ sơ du học của một cậu học trò có vốn ngoại ngữ khiêm tốn như mình ở thời điểm đó. Song 9X tự nhủ: “Mặc dù không sinh ra ở một nơi có quá nhiều điều kiện nhưng điều đó buộc mình phải học cách tận dụng hết những nguồn tài nguyên có xung quanh mình để phát triển bản thân và trở nên tự lập hơn. Có lẽ đây là yếu tố ban xét tuyển học bổng đánh giá cao”.

Thời gian đầu du học, chàng trai huyện Krông Ana gặp vô vàn khó khăn. Cậu nghe giáo viên giảng bài bằng tiếng Anh như “vịt nghe sấm”, nói chuyện với bạn bè cũng phải hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần mới hiểu. Biết yếu điểm, trong suốt 2 năm ở UWC, Liêng Quang vùi đầu vào học và tham gia các hoạt động ngoại khóa để rút ngắn khoảng cách về ngôn ngữ, các kỹ năng mềm, vốn sống… với bạn bè nơi đây.

Tốt nghiệp cấp 3, Quang được nhận vào 5 trường đại học nhưng anh quyết định chọn ngành Khoa học não bộ (neuroscience) của trường Duke (Mỹ) với suất học bổng 70.000 USD/năm học (khoảng 1,5 tỉ đồng), để viết tiếp tham vọng đời mình.

Chàng nông dân Đắk Lắk tiếng Anh bập bẹ chinh phục đại học hàng đầu Mỹ - ảnh 4
Liêng Quang được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên quốc tế tại Đại học Duke Ảnh NVCC

Tại Duke, Quang không chỉ được nghiên cứu sâu hơn về ngành Tâm Lý mà cậu yêu thích, môi trường đại học Mỹ còn giúp anh phát triển tố chất lãnh đạo.

Từ một chàng trai Việt nhút nhát, lần đầu lên phố lạ lẫm như đi nước ngoài, Liêng Quang trở thành Chủ tịch hội sinh viên quốc tế tại Duke. 9X lãnh đạo 35 sinh viên đến từ 22 nước khác nhau, hoạt động trong 8 phân ban, tổ chức hơn 20 sự kiện lớn nhỏ trong cả năm và hợp tác với các tổ chức khác trong trường.

Người nông dân vượt nửa vòng trái đất gặp con

Sau 6 năm sinh sống và học tập ở trời Tây, Liêng Quang dần chạm tay vào những ước mơ to đẹp hơn, nhưng cậu cũng không quên dành tặng người cha lam lũ ở quê món quà tuyệt vời - chuyến sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp con trai.

Ông Đỗ Liên Gang (sinh năm 1966) đã không ngủ được nhiều ngày trước chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời. Với những người cả đời quẩn quanh với nương rẫy như ông, việc bước ra với thế giới ngoài niềm vui còn có cả sự lo lắng, lạ lẫm, rụt rè…

“Hai cha con mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị về tinh thần cho chuyến bay. Trước khi bay khoảng 1 tháng, mình nói chuyện với ba mỗi cuối tuần chỉ để hướng dẫn cho ba biết cách đi qua sân bay như thế nào, làm thế nào để tìm tới được cửa bay và không bị lạc, làm gì khi ngồi trên máy bay, hay khi không biết thì sẽ hỏi ai”, Quang kể.

Chàng nông dân Đắk Lắk tiếng Anh bập bẹ chinh phục đại học hàng đầu Mỹ - ảnh 5Ông Liên Gang được nhà trường đài thọ chuyến sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp của con trai vào tháng 5 vừa qua Ảnh NVCC

Tháng 5 năm nay, ông Gang có mặt trong chuyến bay dài hơn 30 tiếng, vượt đại dương xa xôi, chứng kiến khoảnh khắc đáng tự hào của con cái. 

Điều Liêng Quang lo sợ nhất trong ngày bố đến Mỹ là việc ông có thể bị lạc ở sân bay. Nhưng cuối cùng, ông Gang cũng xuất hiện tay tách xách một cái ba lô, cổ đeo một cái khăn mặt giống như một hành khách xe ô tô đường dài, nhỏ bé đi giữa những vị khách người Mỹ cao to và ăn mặc lịch sự.

“Mình nhận ra ba ngay, chân chất, đơn giản. Suốt dọc đường từ sân bay về, ba đã kể cho mình nghe chuyện ông gần như đã bị lạc ở sân bay New York. Đó là một chuyến đi nhiều cảm xúc với ba mình”, 9X nói.

Liêng Quang thừa nhận mình không biết nhà trường sẽ tạo cơ hội cho phụ huynh sang Mỹ dự tốt nghiệp của con cái. Và có lẽ, chính điều đó đã tạo động lực để cậu học tập và cố gắng hơn nữa trong mọi việc suốt những năm tháng qua.

Chàng nông dân Đắk Lắk tiếng Anh bập bẹ chinh phục đại học hàng đầu Mỹ - ảnh 7
Phương châm sống của Liêng Quang là tận dụng tối đa nguồn tài nguyên bên mình để thực hiện ước mơ Ảnh NVCC

Từ câu chuyện tay không chinh phục học bổng nước ngoài, Quang muốn nhắn nhủ tới nhiều bạn trẻ thông điệp: “Những gì chúng ta đang có ở hiện tại chỉ là điểm xuất phát, nó chẳng thể quyết định bạn đi xa được tới đâu. Hãy học cách tận dụng tối đa nguồn tài nguyên bên mình để làm từ việc nhỏ tới việc lớn hơn, bắt đầu với việc học tập tốt hơn ở trường, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho bản thân và đọc sách, đọc thật nhiều…”

Hiện tại, Liêng Quang đang tham gia chương trình đào tạo quản lý của công ty Nike ở Mỹ. Thời gian tới, anh dự định học tiếp về kinh doanh, luật hoặc quản lý công, trước khi về Việt Nam thành lập công ty riêng.

Lê Ái (TNO)