Thứ năm, 19/5/2016, 21h59

Chấp nhận “ảo” để tạo thuận lợi cho thí sinh

Bộ GD-ĐT đã chính thức cho phép các trường được tự nguyện tham gia xét tuyển trong phần mềm “lọc ảo” của bộ. Chính vì vậy, nhóm GX do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đứng đầu sẽ vẫn thực hiện tuyển sinh theo nhóm riêng. Nhưng dù xét tuyển theo nhóm riêng thì vẫn không tránh khỏi “ảo”.

Thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016 ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Chấp nhận “ảo”

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết chiều 17-5, các trường ĐH trong nhóm GX (gồm 11 trường) đã họp bàn thống nhất về vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, theo ông Điền, “ảo” là vấn đề không thể tránh khỏi. “Các trường phải chấp nhận điều này để tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Nhưng với các trường trong nhóm GX thì khi nhận đơn xét tuyển của thí sinh sẽ lường trước được điều này”, ông Điền cho hay. Bởi vì, theo ông Điền, các trường trong nhóm GX sẽ có phiếu xét tuyển riêng. Nếu thí sinh có một nguyện vọng xét tuyển ở trường ngoài nhóm thì phải ghi vào phiếu.  

Trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng một trong những giải pháp được dư luận hoan nghênh trong thời gian qua là tuyển sinh chung theo nhóm trường. Hiện tại có 2 nhóm trường đã hình thành, đó là nhóm GX ở Hà Nội và nhóm ĐH Đà Nẵng. Về mặt kỹ thuật, nếu quy mô nhóm càng lớn thì việc xét tuyển càng thuận lợi đối với thí sinh cũng như đối với các trường tham gia nhóm. Do đó nếu nhiều trường ĐH tự nguyện tham gia vào một nhóm lớn để thí sinh trong cả nước có thể đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên thì có thể sử dụng một phần mềm phân tích cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển chung để giúp hạn chế tối đa thí sinh “ảo”; qua đó tư vấn giúp các trường quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển phù hợp nhất.

Chương trình xét tuyển có nền tảng là thuật toán trì hoãn

Chiều 18-5, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã lắng nghe Trường ĐH Thăng Long trình bày phần mềm tuyển sinh của trường. Đó là chương trình xét tuyển có nền tảng là thuật toán trì hoãn. Thuật toán này do D. Gale và S. Shapley đưa ra năm 1964. A. Roth đã phát triển thuật toán này và áp dụng trong việc tuyển sinh tại các trường trung học ở Mỹ, điều tiết thị trường bác sĩ mới tại Mỹ, Anh và nhiều nước khác. Nhờ đó ông đã được nhận giải Nobel về kinh tế năm 2012 cùng với  Shapley.

Theo chương trình xét tuyển này, thí sinh trúng tuyển tối đa một nguyện vọng và đó là nguyện vọng tốt nhất có thể được trong mối tương quan với các thí sinh khác. Mỗi trường đều có được danh sách trúng tuyển tốt nhất có thể trong khuôn khổ các nguyện vọng và kết quả của thí sinh. Thời gian xét tuyển nhanh. Từ cuối năm 2014, Trường ĐH Thăng Long đã chạy thử chương trình xét tuyển với một dữ liệu giả lập gồm khoảng 1 triệu thí sinh (mỗi thí sinh có thể có 6 nguyện vọng) và khoảng 1.000 “Mã xét tuyển”. Chương trình kết thúc sau khoảng 120 phút với kết quả phù hợp với lý thuyết.

Cũng trong ngày 18-5, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ thông tin kịp thời, đầy đủ các quy định về tuyển sinh, kết quả tuyển sinh của trường theo đúng quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành và các văn bản hướng dẫn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 của Bộ GD-ĐT. Theo đó tạo điều kiện hỗ trợ cho các trường liên kết thành nhóm xét tuyển chung, hạn chế bất cập của thí sinh ảo, tạo thuận lợi cho nhà trường và thí sinh.

Hiệp hội cần nắm bắt các vướng mắc phát sinh trong quá trình xét tuyển ĐH, CĐ; tư vấn đưa ra các biện pháp hữu hiệu để xử lý kịp thời các tình huống. Ngoài ra, cần tuyên truyền những lợi ích thiết thực của việc đổi mới tuyển sinh để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Hiệp hội tổ chức rút kinh nghiệm sau khi kết thúc tuyển sinh năm 2016; đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới kỳ tuyển sinh năm 2017 và những năm tiếp theo.

Thiên Lam