Thứ năm, 26/10/2017, 22h15

Chọn nghề đón đầu kỷ nguyên 4.0

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Tại chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức vừa qua ở Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) cho biết: Mỗi năm cả nước có khoảng 1 triệu học sinh thi THPT quốc gia. Sau kỳ thi, 20% học sinh nghỉ và ôn thi cho năm sau; 30% vào TC nghề; 41% vào CĐ-ĐH và gần 10% đi làm. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 500 trường ĐH-CĐ với 300 ngành, đào tạo gần 3.000 nghề. Như vậy, cơ hội học tập luôn rộng mở cho mọi người, tuy nhiên, muốn chọn cho mình một nghề phù hợp để phát triển bản thân phải hội đủ các yếu tố, trong đó quan trọng nhất là năng lực bản thân, đam mê, điều kiện kinh tế, cơ hội việc làm, thăng tiến trong nghề nghiệp…

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định: TP.HCM đang trên đà hội nhập với khu vực và quốc tế ở nhiều lĩnh vực, trong đó có thị trường lao động. Do đó, việc định hướng chọn nghề phải tính toán nghề đó có giá trị hành nghề hay không với bản thân mình. Tiếp đó, chọn nghề đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là một lợi thế về việc làm. “Khoảng 10 năm nữa, tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM sẽ xuất hiện nhà máy thông minh mà ở đó robot sẽ thay thế lao động giản đơn, giải phóng sức lao động của con người. Lúc bấy giờ lao động sẽ giảm đáng kể nhưng xã hội lại cần một lực lượng lao động có hàm lượng công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động”, ông Tuấn nói. Trước băn khoăn của các em học sinh về một số ngành nghề có số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng, ông Tuấn quả quyết: “Lao động trình độ nào cũng có giá trị hành nghề, bản thân người học với điều kiện học hành nghiêm túc, trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Với yêu cầu gắt gao của thị trường lao động như hiện nay, ra trường mà không hội đủ các yếu tố trên thì thất nghiệp là chuyện không đáng bàn cải. Đây là thời buổi học một nghề làm được nhiều nghề và muốn làm được một nghề phải biết tích hợp nhiều nghề”.

Tại chương trình, một số học sinh cho biết rất yêu thích ngành tâm lý nhưng không có khả năng dẫn chuyện trước đám đông. Chuyên viên tâm lý Chế Dạ Thảo (Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM) trả lời: Xã hội phát triển, con người đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý hiện đại, nếu các em không có khả năng nói trước đám đông với vai trò chuyên viên tư vấn tâm lý thì có thể làm tham vấn tâm lý tại các bệnh viện, tham vấn trị liệu trẻ em tự kỷ, nghiên cứu tâm lý lâm sàng… Tương tự, em Trúc Ly (học lớp 12A6) quan tâm đến ngành luật kinh tế nhưng lo lắng không có cơ hội làm việc tại các công ty nước ngoài. ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho rằng cơ hội nghề nghiệp đối với ngành luật kinh tế là rất rộng. Theo đó, tốt nghiệp ngành này có thể trở thành chuyên viên tư vấn pháp luật trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội. Ngoài ra, có thể nghiên cứu giảng dạy về pháp luật kinh tế tại các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, thực hiện các dịch vụ pháp luật...

T.Anh