Chủ nhật, 3/7/2016, 22h12

Chủ động phòng tránh tai nạn mùa mưa

Từ khi bắt đầu mùa mưa tới nay, TP.HCM và một số nơi đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do cây xanh bật gốc, và cũng đã có trường hợp tử vong do sét đánh khiến người dân lo ngại mỗi khi lưu thông dưới mưa giông. Do đó cách phòng tránh như thế nào để hạn chế thương vong là điều ai cũng cần.

Cây xanh có nguy cơ ngã đổ tiếp tục được xử lý để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa

TP.HCM: 35 cây xanh bật gốc trong một ngày

Mùa mưa năm nay mới bắt đầu chưa được bao lâu, ở Hà Nội và Cần Thơ đã có 2 trường hợp tử vong do cây xanh ngã đổ gây nên. Trong đó có nạn nhân nhỏ tuổi là em Tạ Việt Khánh (12 tuổi) học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thới Hưng, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ. Tình trạng mưa giông, gió mạnh như ở các nơi cũng đang xảy ra tại TP.HCM khiến người dân lo ngại. Điển hình như cơn mưa giông vào khoảng 14 giờ chiều ngày 27-6 vừa qua khiến nhiều cây xanh tróc gốc. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, cơn mưa trên đã làm cho 35 cây xanh (loại 1, 2) bị gãy nhánh, ngã đổ trên địa bàn TP. Trong đó, có 2 trường hợp làm cho người đang lưu thông bị thương. Trường hợp thứ nhất xảy ra vào lúc 14 giờ trên đường Trường Chinh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), khi anh Nguyễn Ngọc Triều đang chạy xe ba bánh lưu thông đến góc giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa thì bị cây sọ khỉ (có đường kính khoảng 40cm, cao 20m) tróc gốc bất ngờ đè trúng khiến nạn nhân bị đa chấn thương phải vào bệnh viện cấp cứu. Buổi chiều cùng ngày, cây lim sét trên đường Lê Duẩn (quận 1) do ảnh hưởng gió giật đã bị gãy nhánh, làm sập bảng đèn trang trí ngang đường và rơi trúng chị Nguyễn Thị Lam đang lưu thông bằng xe máy khiến chị bị thương phần mềm. Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 6, quận 3), một cây me lớn cũng bị bật gốc đè trúng xe ô tô 16 chỗ làm cho mui xe bị móp và gây ùn tắc nhiều giờ liền. 

Trước đó, những cơn mưa kèm gió lớn rải rác từ đầu tháng 6 đến nay cũng đã làm gãy đổ nhiều cây xanh, bảng hiệu. Trong đó có vụ cây xà cừ gãy đè trúng 3 xe  ô tô trong cơn mưa chiều 7-6, hoặc một số trường hợp gãy cành, bong tróc gốc trong mưa gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông, thậm chí gây mất điện cục bộ trên địa bàn.

Tư thế ngồi để tránh bị sét đánh

Theo khuyến cáo, dưới mưa giông không nên đứng thành nhóm người gần nhau. Đặc biệt cần để ý khi thấy tóc bắt đầu bị dựng lên và da có cảm giác kiến bò, rất có thể sẽ bị sét đánh. Khi đó ta lập tức cúi ngồi co người lại, lấy tay che tai để tránh nguy cơ bị điếc trong trường hợp sét đánh gần. Bàn chân nên chỉ tiếp xúc phần nối giữa lòng bàn chân và các ngón chân với mặt đất. Vì đôi khi sét đánh xuống đất rồi mới đi vào cơ thể người, nên càng hạn chế tiếp xúc với mặt đất thì càng khó bị điện giật khi sét đánh. Điểm cần lưu ý nữa là 2 gót chân nên chạm nhau, vì trong trường hợp sét đánh xuống đất rồi mới đi qua cơ thể người, hành động này sẽ tăng khả năng dòng điện đi vào bàn chân này và thoát ngay ra bàn chân kia, thay vì đi qua toàn bộ cơ thể người.

Do ảnh hưởng thời tiết, hiện tượng mưa giông trong những ngày qua theo nhận định của cơ quan chức năng là rất đáng lưu tâm. Cụ thể, hiện tượng gió giật mạnh trong cơn mưa giông ngày 27-6 theo ghi nhận tại Sân bay Tân Sơn Nhất khi gió giật mức cao nhất là 22,6m/giây (tương đương với gió giật cấp 9). Mối nguy hiểm mưa giông, gió giật sẽ còn ảnh hưởng ít nhất là trong vài ba ngày tới, khi gió Tây Nam vẫn đang tiếp tục hoạt động mạnh mang nguồn ẩm dồi dào từ biển vào đất liền, khiến mưa giông xảy ra nhiều nơi, mưa vừa hoặc mưa to sẽ tập trung chính ở khu vực Đông Nam bộ. Do đó, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra xử lý những cây có nguy cơ gây mất an toàn, thì người dân cũng cần chủ động bảo vệ mình.

Những kỹ năng phòng chống sét đánh

Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM lưu ý, vào những thời điểm mưa to kèm theo lốc xoáy, người dân khi lưu thông trên đường không nên dừng xe hoặc trú mưa dưới gốc cây, đặc biệt trên các tuyến đường tập trung nhiều cây lớn như Nguyễn Thị Minh Khai, 3 Tháng 2, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu... Trong trường hợp gặp sự cố về cây xanh, nên gọi ngay theo đường dây nóng 08.39351351 hoặc 08.39557755, các lực lượng chức năng sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường để hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh tai nạn do cây xanh ngã đổ, nhiều vụ tử vong do sét đánh trong những ngày qua cũng là tiếng chuông cảnh giác cho người dân trong mùa mưa này. Điển hình như vụ xảy ra tại Quảng Ninh vào khoảng 14 giờ ngày 9-6, trên đoạn đường thuộc khu vực Đồng Muối (phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện mưa to, kèm sấm sét. Hậu quả, 6 người đang lưu thông bằng xe máy trên đường bị sét đánh trúng, trong đó có 2 người đã tử vong, 2 người lớn và 2 trẻ em bị thương. Trước đó một ngày, 8 người trong một gia đình ở Đắk Nông đang ăn cơm thì bị sét đánh trúng, khiến em Thào Thị Dậu (14 tuổi) tử vong tại chỗ và 3 người bị thương nặng. Trong một trận mưa khác vào ngày 2-5 trên địa bàn xã P’roh, huyện Đơn Dương, một tia sét bất ngờ đánh trúng căn chòi bên trong có 7 người trú mưa khiến 2 người chết, số người còn lại bị thương nặng.

Để phòng tránh sét đánh mùa mưa, tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) lưu ý, thường thì cơn giông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ và có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km. Do đó, khi trời sắp xảy ra giông thì biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện; tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Đối với các loại đồ điện gia dụng, nên rút phích cắm các thiết bị điện, kể cả dây anten ti vi trước lúc có giông gần xảy ra. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền, nên cần tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m.

Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt… Đặc biệt không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, mà nên tìm chỗ khô ráo, thấp để ẩn náu, đồng thời lấy tay ôm cổ, bịt tai, nhón chân để phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất, tuyệt đối không được nằm xuống đất. Nếu đang ở khu vực có nước, hãy nhanh chóng ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh. Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hỏa, ô tô... người đang lưu thông không nên thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc thì sẽ được an toàn.

Bài, ảnh: Đinh Vũ