Thứ bảy, 25/3/2017, 21h20

Chương trình - sách giáo khoa mới: Kịp thực hiện từ năm học 2018-2019

Chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) mới có kịp triển khai trong năm học 2018-2019? Điều kiện đảm bảo như thế nào...? Là những nội dung được báo chí quan tâm tại buổi họp báo định kỳ quý I/2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức cuối tuần qua.

GS. Nguyễn Minh Thuyết trả lời báo chí xung quanh CT-SGK mới. Ảnh: T.Lam

Trả lời vấn đề này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Ban soạn thảo  CT-SGK mới, nguyên Phó Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội cho biết, CT hiện đã hoàn thiện bản dự thảo lần cuối và đang chờ phê duyệt. Hy vọng trong tháng 9 tới CT sẽ được ban hành. Bộ sách mà Quốc hội giao cho bộ biên soạn là kịp, nhưng cần có thời gian để Chính phủ làm việc với các địa phương về điều kiện chuẩn bị thực hiện CT-SGK mới. Điều quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng, nếu thấy có vấn đề cần phải củng cố thêm thì sẽ báo cáo Ban Bí thư, Quốc hội để củng cố thêm.

GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: “CT mới hình thành năng lực, phẩm chất cho HS. Mới nhất là ở cấp THPT. Cụ thể, lớp 10 là lớp dự hướng giúp HS có được sự chuẩn bị để chọn nghề ở lớp 11, 12. Lớp 11, 12 là định hướng nghề nghiệp. Ngoài một số môn bắt buộc như giáo dục quốc phòng, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì mỗi HS được chọn 5 môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. So với CT hiện hành, chúng tôi phải kế thừa vì CT hiện hành có nhiều điểm tốt nhưng điều kiện đáp ứng hạn chế nên không triển khai được”.

Mặt khác, nói về phương pháp xây dựng CT mới, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng có hai phương pháp sử dụng ở CT mới. Đó là phương pháp sơ đồ ngược - Nếu như theo phương pháp cũ, đầu tiên là xác định nội dung dạy học rồi mới bàn phương pháp đánh giá. Còn theo sơ đồ ngược thì phải xác định mục tiêu nhân lực của đất nước, chuẩn đầu ra rồi xác định nội dung, phương pháp. Thứ hai là CT được xây dựng giống như xây dựng một chính sách. Do đó, cần phải có đánh giá tác động. Trên cơ sở đó mới quyết định được. Khi CT hoàn thành, việc triển khai vào năm học 2018-2019 theo hình thức cuốn chiếu bằng các lớp đầu cấp.

Điều kiện đi kèm để đảm bảo thực hiện CT-SGK mới, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết gồm điều kiện giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất. Trong đó, điều kiện giáo viên là thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT - bộ đã có đề án chuẩn bị cho vấn đề này. Sau khi xây dựng CT, Ban soạn thảo cũng sẽ phải viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên. Còn trang thiết bị, sản xuất như thế nào thì phải chờ CT hoàn thành; Về điều kiện cơ sở vật chất, vừa là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, nhưng trách nhiệm chính vẫn là của các địa phương. CT mới chủ yếu học 2 buổi/ngày đảm bảo HS không bị quá tải. Hiện có 47% các trường tiểu học học 10 buổi/tuần, 30% học 6 buổi/tuần, hơn 20% học chưa được 6 buổi/tuần. Đây là điều phải khắc phục, nếu không sẽ hết sức khó khăn.

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm 2017 có khoảng gần 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Tổng chỉ tiêu của các trường ĐH và CĐ sư phạm năm nay là 400.000 chỉ tiêu, giảm 30.000 chỉ tiêu - giảm mạnh nhất (20%).

Liên quan đến công tác tổ chức thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian qua một số địa phương có tổ chức thi thử cho HS lớp 12. Đây không phải là quy định trong quy chế của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, tùy điều kiện, các tỉnh có thể tổ chức khảo sát, tập dượt cho HS. Bộ GD-ĐT chỉ giữ vai trò tư vấn về mặt kỹ thuật. Còn với kỳ thi THPT quốc gia 2017, do năm nay mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng nên quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa, khác với quy trình ra đề của các sở GD-ĐT. Đó là đề thi được xây dựng dưới dạng các câu hỏi thô, sau đó sẽ thử nghiệm, loại bỏ những câu hỏi không phù hợp. Chính vì vậy sẽ không có những sai sót như một số địa phương tổ chức. Năm nay, tuy chủ trì các cụm thi là sở GD-ĐT nhưng trong quy chế, Bộ GD-ĐT quy định giám thị trong phòng thi, cán bộ tổ chức thi 50% là giảng viên, cán bộ của các trường ĐH.

Với bài thi tổ hợp, ông Trinh cho biết thêm, đề thi, giấy nháp hai bài thi đầu tiên trong môn thi tổ hợp thí sinh sẽ phải nộp lại cho giám thị, chỉ môn thi cuối cùng thí sinh mới được mang đề thi ra khỏi phòng thi. Đây là khâu kỹ thuật để đảm bảo công bằng thi cho tất cả các thí sinh dự thi. Tuy nhiên, ngay sau kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ công bố công khai toàn bộ đề thi, đáp án của tất cả các môn.

Thiên Lam