Thứ bảy, 18/11/2017, 17h36

Chuyện cô Xậm

“Mẹ! Mẹ cho con đi học, đặng mai mốt con biết viết tên con, biết viết tên mẹ, tên chị hai nha mẹ!”. Và sau ngày mở lời xin được đi học ấy, có một người được bước vào lớp 1 khi vừa chớm tuổi... 15. Và rồi một ngày, cái tên Huỳnh Thị Xậm đã được cô gái này nắn nót viết bằng... chân trong niềm hạnh phúc đến nghẹn ngào.

Cô Huỳnh Thị Xậm trong một giờ làm việc

15 tuổi bắt đầu vào lớp 1. 23 tuổi một mình xa gia đình để đi học THPT. Lớp 10 úp mền khóc vì thi rớt môn hóa. Lớp 12 khóc vì rớt tốt nghiệp THPT... Những cột mốc thời gian ấy, nghe thì tưởng như rất nhanh, nhưng để vượt qua được, chị đã phải đánh đổi bằng tất cả thời gian, sức lực và cả nước mắt.

Vào lớp 1 từ thuở... 15

Xậm kể, nhà chị ở xa, tận Long Mỹ, Hậu Giang kia. Nhà Xậm nghèo. Cái nghèo cứ bám mãi cuộc sống của gia đình nhỏ có 6 người con dù cha mẹ, chị em trong nhà đã phải làm mướn khắp nơi để lo đủ chén cơm, manh áo. Xậm là con thứ 3, nhưng được đặc cách ở nhà vì bản thân bị dị tật: hai tay co quắp không thể cầm nắm mọi vật, hai chân cũng dần teo tóp khiến việc đi đứng trở nên khó khăn. Dần dần, Xậm không đi nữa mà chuyển sang bò để di chuyển trên sàn nhà. Phải đến năm 8 tuổi, Xậm mới ý thức được việc tật nguyền của mình. Ngày ngày nhìn chị em trong nhà, bạn bè trong xóm ríu rít rủ nhau đi học, Xậm thèm lắm, nhưng nghĩ nhà nghèo, bản thân lại mang tật nên chẳng dám mơ mộng . Rồi một ngày, những vần thơ trong bài học của người chị gái cứ văng vẳng bên tai Xậm khiến cho khao khát được đến trường bùng cháy hơn bao giờ hết. Xậm xin đi học. Nhìn đứa con gái ngay đến cả việc xúc cơm ăn còn không nổi, nói chi đến những việc khó hơn mà mẹ chị không khỏi ngại ngần. Nhưng rồi, lời khẳng định “Xậm làm được” của chị đã khiến người mẹ ấy quyết định chiều theo ý muốn của con mình dù biết đôi vai sẽ phải nặng thêm để kiếm thêm vài đồng mua sách vở, quần áo.

Cô Xậm kiểm sách, phân phối đầu sách tại một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật

Được đến trường, Xậm phải đối mặt với gian nan mới: đôi tay quá yếu không thể cầm bút, dùng miệng viết chữ lại càng khó khăn hơn. Tính tới tính lui, Xậm dùng tới bàn chân lành lặn cuối cùng để viết, viết trong đau đớn bởi phải dùng dây để buộc chặt các ngón chân để giữ được ngọn bút. Nhìn cô học trò ngồi bệt xuống nền đất, gò lưng, bám chặt chân hàng tiếng đồng hồ để tập viết mà thầy cô, bạn bè không khỏi xót xa. Những buổi học đầu tiên, Xậm tưởng như phải bỏ cuộc vì ngón chân không điều khiển được như ý muốn, có lúc quẹt rách cả trang giấy mà vẫn không ra được hình thù mặt chữ. Đêm về, những ngón chân tê nhức vì phải vận động quá nhiều. Nhưng, suy nghĩ phải biết chữ để biết đọc biết viết lại thôi thúc Xậm ngồi bật dậy giữa đêm khuya để rèn viết chữ. Và rồi, những con chữ đầu tiên đã lần lượt xuất hiện sau những ngày đêm miệt mài trên nền đất.

Tập viết được chữ, Xậm lại chuyển sang tập chèo ghe để tự đến trường. Ở quê Xậm hồi đó, việc con gái được đi học tới lớp cao là điều hiếm hoi lắm nên chị sợ đến một lúc nào đó không còn ai đi chung với mình. Và quả thật, chỉ duy nhất chị kiên trì học hết THCS, được tạo điều kiện lên trung tâm huyện để học tiếp THPT. Xa gia đình, phải tự lo lắng cho bản thân nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, chị đã vượt qua nhiều trở ngại, kể cả cú sốc về việc rớt điểm thi môn hoá năm lớp 10 và rớt tốt nghiệp THPT. Ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp, chị vỡ òa trong hạnh phúc.

Các buổi chiều, chị lại cùng các bạn khác tại trung tâm ngồi vẽ tranh. Nếu chỉ nhìn những đường nét, màu sắc tươi vui trên mỗi bức tranh, ít ai nghĩ nó lại được vẽ bằng một bàn chân duy nhất. Những bức tranh chị vẽ thường là hoa lá, cỏ cây, côn trùng... tươi thắm, sặc sỡ như chính những ước mơ và khát vọng của chị. 

Những tưởng, chuyện học hành với chị thế đã là quá đủ. Nhưng không, chị luôn tận dụng mọi cơ hội khi được tạo điều kiện. Về làm tại trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và mồ côi TP.HCM tại Hóc Môn được một thời gian, chị được Giám đốc Trung tâm giới thiệu đi học ngành công tác xã hội tại Trường ĐH Mở TP.HCM. Lại những chuỗi ngày đi về như con thoi từ Hóc Môn ra trung tâm thành phố từ sáng sớm đến tận tối mịt, lại những đêm cặm cụi ngồi lần giở từng trang sách để học bài, lại những lo lắng khi sắp tới kỳ thi đến mức ám ảnh trong cả những giấc mơ và với vô vàn khó khăn khác đến mức có lúc chị tưởng chừng như sắp bỏ cuộc. Những lúc như vậy, Xậm lại nhủ lòng mình phải cố gắng, cố hết mức có thể. Ròng rã gần 5 năm cố gắng, Xậm cũng được ra trường. Ngày nhận bằng tốt nghiệp của Xậm có mẹ, có cô Giám đốc Trung tâm, có họ hàng và những người luôn quan tâm, luôn dõi theo mỗi vòng xe lăn của chị.

Dạy chữ bằng cả trái tim

Hiện tại, Xậm đang làm thủ thư tại trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và mồ côi TP.HCM. Hằng ngày, công việc của chị là kiểm sách, phân loại đầu sách dán nhãn và lưu lại thông tin trên máy tính. Chân trái nhấp chuột, chân phải đánh chữ bàn phím, mọi thao tác chị đều thực hiện một cách thuần thục và nhanh nhạy đến kinh ngạc. Đó là kết quả của một thời gian dài mày mò, cố gắng, có những lúc tưởng như thất bại vì... chiếc bàn phím.

Không chỉ làm tốt công việc của mình, chị lại dành thời gian mỗi tối để dạy chữ cho các em mồ côi, khuyết tật. Điều đáng nói là chị lại chọn chữ nổi braille để dạy cho những người chưa một lần nhìn thấy ánh sáng. Và để làm được điều này, Xậm cũng phải bắt đầu học như những người chưa biết chữ nổi braille khác. Với một chiếc bút được đồng nghiệp tự chế, chị cặm cụi bắt đầu từng chấm nhỏ trên trang giấy. Có những đêm đang ngủ, Xậm bật dậy ngồi tập viết vì... nằm mơ thấy chữ. Cần mẫn bao ngày, chị cũng dẫn dắt học trò đến được với những con chữ đầu tiên. Mỗi tối, tiếng đánh vần, đọc chữ vẫn đều đều vang lên trong căn phòng nhỏ. Ở lớp, học viên gọi chị là “chị Xậm”, là “bạn Xậm” vì chị gần gũi, hiểu họ như người thân của mình. Với những ai còn ngại ngần, chị động viên “học đi, để mai mốt còn biết viết tên mình, đi làm còn biết ký nhận lương”, và dành hẳn thời gian riêng để dạy, lúc nào đủ chữ, đủ tự tin mới dẫn vào lớp học. Gọi là lớp, nhưng có khi có tới 10 em cùng học chương trình từ lớp 1 đến lớp 4. Vất vả là thế, nhưng chỉ cần nhìn những con chữ, những phép tính được học viên đánh lên mặt giấy, đã có lúc, chị mừng đến rơi nước mắt.

Ngọc Anh