Thứ ba, 15/12/2015, 22h53

Còn hững hờ với học sinh khuyết tật

Sáng 15-12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo 20 năm giáo dục học sinh khuyết tật Việt Nam. Sau 20 năm thực hiện Nghị định 26/CP của Chính phủ (17-4-1995) về dạy văn hóa cho trẻ khuyết tật, bao gồm cả trẻ điếc, việc giáo dục học sinh khuyết tật của Việt Nam đã có những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề mới phát sinh, cần được giải quyết.

Trường thiếu kinh phí, giáo viên thiếu chuyên môn

Theo Bộ GD-ĐT, qua nghiên cứu tại 8 tỉnh, thành trên cả nước thì dường như lãnh đạo nhà trường và giáo viên còn bối rối và không sẵn sàng nhận các em khuyết tật vào học. Trong ảnh: Một trẻ khuyết tật được học chung với học sinh bình thường tại TP.HCM. Ảnh: N.Trinh

Trong kết quả nghiên cứu sự sẵn sàng cho giáo dục khuyết tật tại 8 tỉnh của Việt Nam (An Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Lào Cai, Gia Lai, Đồng Tháp...) do Bộ GD-ĐT, ĐH Toronto, Đại sứ quán Úc và UNICEF tổ chức cho thấy đa số cán bộ quản lý trường học và giáo viên đã nhận thức rõ các chính sách hiện hành về giáo dục cho trẻ khuyết tật; tuy nhiên, còn 30% các trường được khảo sát nhận thấy trường mình đã làm tròn trách nhiệm liên quan đến trẻ khuyết tật theo văn bản pháp quy của Việt Nam. Lãnh đạo các trường tham gia khảo sát cho biết thiếu kinh phí là rào cản lớn nhất khiến họ chưa làm tròn trách nhiệm theo quy định, tiếp đó là thiếu kiến thức chuyên môn để quản lý việc này. 86% trong số các trường tham gia khảo sát cho biết họ không có bất kỳ khoản ngân sách nào phân bổ cho việc giáo dục trẻ khuyết tật. Mặt khác, cơ sở vật chất để trẻ khuyết tật có thể tiếp cận được tại các tòa nhà cũng như trường học, trụ sở hành chính giáo dục ở các quận, huyện, tỉnh, Trung ương còn nghèo nàn và hiện không có chính sách hay kế hoạch cụ thể về việc nâng cấp cơ sở vật chất này. Và chỉ có 6% trong số các trường được khảo sát cho biết họ đã nỗ lực hết sức để nhận tất cả trẻ khuyết tật vào học. Dường như lãnh đạo nhà trường và các giáo viên bối rối và không sẵn sàng nhận các em khuyết tật vào học, nhất là khi họ không hiểu rõ chính sách then chốt và nguồn hỗ trợ hiện có cho việc thực hiện giáo dục hòa nhập. Có 62% lãnh đạo các trường được khảo sát báo cáo rằng tất cả trẻ khuyết tật được nhận vào học và theo 66% các trường thì chính sách hoặc hướng dẫn hiện hành quyết định những trẻ khuyết tật nào sẽ được nhận vào học. Một khó khăn nữa đối với giáo dục trẻ khuyết tật ở Việt Nam cũng được nghiên cứu chỉ ra đó là vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật vẫn đang tồn tại trong ngành giáo dục.

Về đào tạo giáo viên, hiện Việt Nam có 4 cơ sở chính đào tạo giáo viên về giáo dục chuyên biệt là ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, CĐ Sư phạm TW, CĐ Sư phạm TW2. Hiện mới chỉ có ĐH Sư phạm Hà Nội đang tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ giáo dục chuyên biệt, chưa có chương trình đào tạo tiến sĩ loại hình này tại Việt Nam. Đa số giáo viên tham gia khảo sát cho biết họ không được tham gia bất kỳ chương trình tập huấn nào về giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt hay về vấn đề khuyết tật. Nhìn chung, 65% giáo viên không được tiếp cận chương trình tập huấn về giáo dục hòa nhập, 73% không nhận được sự trợ giúp từ các trung tâm hoặc các mạng lưới giáo dục hòa nhập để giúp họ nâng cao chuyên môn và kỹ năng. Đặc biệt, chương trình tập huấn rất hạn chế cho các giáo viên THCS. Ngược lại, cán bộ quản lý lại được tham dự nhiều đợt tập huấn hòa nhập, chỉ có 32% cán bộ quản lý không được tham gia.  

75% người khuyết tật được học hòa nhập

Theo PGS.TS Phạm Minh Mục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, năm 1996, cả nước có 42.000 trẻ khuyết tật được đi học thì năm 2015 đã có 500.000 trẻ khuyết tật được đến trường. Như vậy, trong 20 năm, số lượng trẻ khuyết tật được đi học đã tăng lên hơn 10 lần. Quy mô giáo dục trẻ khuyết tật đã tăng hơn hẳn so với các năm trước.  Tuy nhiên, trước những hạn chế như trên, giáo dục trẻ khuyết tật trong thời gian tới còn nhiều thách thức. Theo PGS. Phạm Minh Mục, giáo dục trẻ khuyết tật ở Việt Nam có 5 thách thức. Thứ nhất là nhận thức của cộng đồng về giáo dục trẻ khuyết tật còn hạn chế. Thứ hai là thông tin về trẻ khuyết tật chưa đầy đủ, thiếu sự thống nhất và không cập nhật. Thứ ba là hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho giáo dục trẻ khuyết tật hạn chế về số lượng, kém về chất lượng, thiếu sự quản lý đồng bộ và giám sát liên ngành. Thứ tư, các điều kiện giáo dục trẻ khuyết tật ở các vùng, miền không đồng đều và đang có nguy cơ tăng do sự ô nhiễm môi trường sống, tai nạn và sự gia tăng dân số. Cuối cùng là chưa hình thành được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và sự phối hợp giữa các ban ngành để lôi cuốn sự tham gia, hợp tác của toàn xã hội.

Với mục tiêu đảm bảo đến năm 2020 có 75% người khuyết tật được học hòa nhập (tương ứng vùng thuận lợi tỷ lệ này là 80%, vùng trung bình là 75%, vùng khó khăn là 65%), đến năm 2030, tỷ lệ chung là 80% người khuyết tật được học hòa nhập, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số giải pháp cơ bản. Trong đó, ông Mục cho biết sẽ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục trẻ khuyết tật từ Trung ương đến địa phương đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng.

Nghiêm Huê