Thứ bảy, 20/5/2017, 19h52

Công tác xuất bản: Cần có những ấn phẩm hay, có giá trị

Vừa qua, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt Thông báo kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về công tác xuất bản.

Theo báo cáo, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, hoạt động xuất bản nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, giữ được định hướng chính trị, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới, kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động xuất bản.

Tuy nhiên, hoạt động xuất bản còn bộc lộ một số khuyết điểm, yếu kém. Đó là chưa đạt chỉ tiêu về số lượng bản sách/người/năm như Chỉ thị 42 đã đề ra; số tác phẩm có giá trị chiếm tỉ lệ chưa cao; năng lực quy mô, trình độ của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế; mô hình tổ chức chưa phù hợp; công tác chỉ đạo, quản lý Nhà nước về xuất bản trên một số mặt chưa hiệu quả, nhất là quản lý xuất bản điện tử có nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều cơ quan chủ quản chưa quản lý chặt chẽ, có hiệu lực, hiệu quả nhà xuất bản trực thuộc…

Từ thực trạng của hoạt động xuất bản hiện nay đồng thời nhằm khắc phục những hạn chế, những việc chưa đạt được từ Chỉ thị số 42, Thông báo kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư (khóa XII) cũng đã chỉ rõ trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương để lĩnh vực xuất bản phát triển đúng định hướng, nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh, các nhà xuất bản cần phải đánh giá thực chất năng lực để có định hướng phát triển nhất là trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ như hiện nay. Đặc biệt cần chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để có những ấn phẩm hay, có giá trị. Cần chú trọng tới công tác phát hành, thư viện, có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị để hoạt động xuất bản đạt hiệu quả. Riêng với xuất bản điện tử, các nhà xuất bản cần nhanh chóng triển khai, và phải có sự năng động, sáng tạo để không bị tụt hậu so với khu vực và thế giới.

Đồng chí Linh cũng đề nghị các đơn vị cần quán triệt Thông báo kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về công tác xuất bản tại đơn vị, địa phương mình...

N.Bao