Thứ ba, 30/6/2015, 22h51

Cử tri bức xúc với vấn đề biển Đông và dân sinh

Cử tri Q.4 bày tỏ bức xúc tại cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội sáng 30-6

Trong 2 ngày 29 và 30-6, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri tại một số quận, huyện. Tại các cuộc tiếp xúc, nhiều vấn đề bức xúc đã được cử tri nêu ra...

Mong Quốc hội dành nhiều thời gian cho biển Đông

Có thể nói, vấn đề cử tri bức xúc nhiều nhất trong các cuộc tiếp xúc chính là tình hình biển Đông. Cử tri Hồ Kim Quy (Q.4), bức xúc: Trong thời gian qua, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên biển Đông. Đặc biệt là mới đây giàn khoan Hải Dương 981 đã quay trở lại biển Đông thuộc vùng biển phía Nam cửa vịnh Bắc bộ và phía Tây Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Thế nhưng trong kỳ họp thứ 9 (từ ngày 20-5 đến 26-6), Quốc hội dành thời gian cho vấn đề này chưa tương xứng. “Đề nghị Quốc hội dành nhiều thời gian hơn nữa cho vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong các kỳ họp sắp tới”, ông Quy nhấn mạnh.

Ngoài đề nghị ra nghị quyết về biển Đông, một đại biểu khác ở Q.4 cho rằng: Đối với vấn đề biển Đông, nhân dân vô cùng bức xúc và mong muốn được thể hiện chính kiến của mình thông qua biểu tình. Hiện nay chưa có Luật Biểu tình nên những bức xúc này người dân chỉ có thể nói qua nói lại với nhau ở nhà hay ở ngoài quán xá. Cử tri mong muốn Quốc hội thảo luận và thông qua Luật Biểu tình để người dân được nói lên tâm tư nguyện vọng của mình.

Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: Trước những hành động của Trung Quốc, Việt Nam đều lên tiếng phản đối. Thậm chí, “Không phải chỉ có phản đối, các cuộc đàm phán cũng nảy lửa với nhau. Các cuộc gặp song phương, đa phương làm rất dữ, không phải đơn giản chỉ là lời nói của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, mà cả hệ thống chính trị của chúng ta đều làm việc. Nhưng đây là câu chuyện đấu tranh lâu dài, hết sức bền bỉ, kiên quyết và kiên trì. Chúng ta phải mạnh về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh và phải nỗ lực tối đa, đó là biện pháp tốt nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia”, Chủ tịch nước khẳng định.

“Nóng” với vấn đề dân sinh

Ngoài tình hình biển Đông, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc về quy định mua bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình. Theo đó, trong gia đình chỉ cần có một người không mua thì những người còn lại muốn mua cũng không mua được. Cử tri Phạm Thị Tiến (Q.1) cho biết: Trong những hộ gia đình khó khăn, các mạnh thường quân muốn hỗ trợ BHYT cho người già yếu, bệnh tật nhưng đành chịu vì không mua được thẻ BHYT do quy định nói trên. Các mạnh thường quân không thể mua BHYT cho cả nhà vì trong đó có những người còn trẻ, khỏe, tự lao động sinh sống...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại cuộc tiếp xúc cử tri ở quận 1, TP.HCM sáng 29-6

Một cử tri ở Q.4 tâm tư: “Trên địa bàn khu phố tôi ở có nhiều hộ gia đình đông người nên không đủ tiền để mua cho tất cả các thành viên cùng một lúc. Tại sao không chia thành nhiều đợt/năm để người dân xoay xở để mua...”.

Trả lời cử tri, đại biểu Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, giải thích: BHYT toàn dân với nguyên tắc là người khỏe mua bảo hiểm để nuôi người bệnh, nếu chỉ những người già yếu hay khi có bệnh tật mới mua thì lấy tiền đâu mà nuôi nguồn quỹ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh: “BHYT là chuyện đại sự, không thể dùng ngân sách để bù đắp. Hiện nay đã chi thường xuyên đến 72% trong tổng thu ngân sách hằng năm, cực kỳ cao và quá sức chịu đựng rồi”.

Chủ tịch nước nhìn nhận vấn đề BHYT đúng là còn nhùng nhằng, cần có thời gian nhất định để Chính phủ nghiên cứu và đề xuất với Quốc hội sửa quy định này cho hợp lý.

Bức xúc với sự độc quyền của điện và xăng - dầu, cử tri Đỗ Quốc Huy (Q.4) đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát 2 doanh nghiệp này. “Điện và xăng - dầu mà tăng thì nhiều mặt hàng khác cũng vin vào đó để tăng giá, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân”, ông Huy nói. Về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch trả lời: Điện và xăng - dầu đang chuyển qua cơ chế thị trường, dự kiến đến năm 2021 sẽ không còn độc quyền nữa. Quốc hội đã và đang giám sát quá trình chuyển đổi này...

Cử tri Hà Ngọc Toàn (Q.4) thì tâm tư với một số khoản thu bất hợp lý, điển hình là thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Theo ông, nhiều nơi đường giao thông là do Nhà nước và nhân dân cùng làm, sao còn bắt người đi xe máy phải đóng phí trong khi xe máy không phá đường bằng ô tô. Đã vậy việc thu phí cũng rất nhiêu khê, triển khai xuống khu phố sẽ rất khó thực hiện... “Quan điểm của TP.HCM là tính toán để không thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy”, ông Trần Du Lịch cho biết.

Bài, ảnh: Hòa Triều