Thứ năm, 20/10/2016, 21h28

Cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất: Hành khách bị... hành vì xe ôm

Nhu cầu di chuyển của hành khách ở khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất là rất cao. Điều này đồng nghĩa với việc có rất nhiều phương tiện mang lại sự lựa chọn thuận tiện nhất cho hành khách. Thế nhưng, ở đây đang tồn tại tình trạng xe ôm tranh giành, lôi kéo khách và “chặt chém” khách, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự.

Có biển cấm nhưng cánh xe ôm vẫn tụ tập để đón khách

Hành khách bị... hành

Theo chúng tôi quan sát, có 3 điểm để đón khách chính là trước cổng nhà xe của ô tô, trạm xăng cách cổng chính vài chục mét và ngay khu vực giữ xe máy lối vào ga quốc nội là tài xế xe ôm thường xuyên ra vào bắt khách. Những nơi này cũng là nơi hành khách ở trong ga ra nên bất chấp các lệnh cấm, các tài xế bằng mọi cách chạy đến chèo kéo đi xe. Thấy có người đi ra là họ áp sát tiếp cận luôn, chỉ cần hành khách trả lời là họ đưa luôn mức giá... trên trời ngay. Thông thường khách bị chèo kéo lên xe đó bị hét giá rất cao thường là gấp 3 lần bình thường. Hành khách nào thấy giá cao quá không đi thì bị chúng mắng chửi rất hung dữ.

Chị Huyền (từ Đà Nẵng vào TP.HCM) chia sẻ: “Tôi về đường Đồng Nai, phường 2, Tân Bình. Khoảng cách theo trên bản đồ chỉ 0,7km, thế nhưng các bác tài này hét giá 80.000 đồng. Trong khi đó nếu đi các dịch vụ khác chỉ mất từ 20.000-40.000 đồng. Tôi đi quen rồi nên tôi từ chối không đi thì họ chửi, không đi thì nói ngay từ đầu đi, mất thời gian. Giá ở đây ai cũng thế, kì kèo cái gì”.

Nếu để ý ở ga quốc nội, lúc nào cũng có cả 10 người đứng chắn ở lối đi để chèo kéo khách. Các tài xế xe vào hẳn bên trong để bắt khách. Hoạt động này diễn ra nhiều hơn về đêm. Đồng thời vào buổi tối thì khách bị hành nhiều hơn với những lí do đêm tối, không ai chạy xe, vừa đe dọa vừa xin đểu, có khi giá bị đẩy lên cả 4 lần so với bình thường. Các bác tài “ưu tiên” những khách đi ngắn vì dễ đội giá hơn những khách đường xa.

Trong vai hành khách đi về đường Nguyễn Thái Bình, phường 4, Tân Bình, chúng tôi được chào giá 150.000 đồng/người. Đắt quá, chúng tôi không đi sau đó lời qua tiếng lại. Hai tài xế xe ôm đã chỉ vô mặt bảo: “Không đi của tao, thì chúng mày không bắt được xe nữa đâu”. Sau đó đúng là chúng tôi không thể gọi được một chiếc xe ôm nào cả. Thậm chí khi đặt 1 dịch vụ xe khác ở ngoài, khi xe tới vài tài xế chạy tới hùng hổ “Ai cho vô đây bắt khách hả? Chỗ này không phải chỗ của mày...”, vì tránh xô xát nên chúng tôi đành hủy chuyến xe đã đặt.

Một hành khách đã lên xe ôm nhưng chưa hỏi giá

Họ tự tung tự tác làm mọi thứ nếu hành khách không chịu đi xe, trả giá. Vì việc vào chèo kéo khách và tụ tập đã bị cấm nên tài xế xe ôm tìm mọi cách để trà trộn vào như là đi đón người thân. Khi gặp lực lượng kiểm tra họ giả lơ nép vào đâu đó để tránh. Những điều trên cho thấy ở đây có một sự tranh chấp khu vực hoạt động. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng chèn ép khách ra vào sân bay.

Có hiện tượng bảo kê

Những tài xế xe ôm này làm nghề bất chấp biển cấm xe máy. Thậm chí họ đứng trên đường dành cho ô tô để bắt khách. Không phải ai muốn đến đây chạy xe cũng được. Muốn gia nhập phải đóng phí cho các đối tượng bảo kê mới được hành nghề. Bằng nhiều hình thức bọn bảo kê “xin đểu” như mượn trả tiền cà phê nhưng mượn thì không bao giờ trả. Dường như các bác tài xế xe ôm đều rất sợ nên khá dè dặt khi nhắc tới thế lực ngầm này. Để chạy xe ở khu vực này, việc tranh giành khách vẫn thường xảy ra.

Nơi đón khách của xe ôm cách cổng ra vào sân bay không xa

Được biết những tài xế xe ôm ở đây tập hợp theo từng nhóm để bảo vệ “lãnh địa” của mình. Từng khu vực gần như là “bất khả xâm phạm”, thành viên mới xin gia nhập phải nộp tiền thì được bảo kê nhưng nếu không nộp thì chỉ 2 ngày sau sẽ bị đánh và đuổi thẳng. Từ đầu năm tới nay, tại đây đã xảy ra hơn 20 lần việc xảy ra các vụ đánh nhau gây thương tích, buộc lực lượng chức năng phải vào cuộc.

Mới đây nhất, các cơ quan như Cảng vụ miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an phường 2, quận Tân Bình đã họp bàn và thống nhất kế hoạch chấn chỉnh tình trạng này. Thực tế, việc hoạt động xe ôm ở trước, trong khu vực sân bay đã làm mất an ninh khu vực, mất hình ảnh của sân bay đối với các hành khách. Hy vọng, thời gian tới đây các hành khách sẽ không phải than phiền vì tình trạng xô xát với các tài xế xe ôm nữa.

Bài, ảnh: Phạm Quyên