Thứ sáu, 19/3/2010, 15h03

Cung An Định đã hồi sinh!

Một góc trang trí nội thất kết hợp với tranh tường cổ được phục hồi tại Khải Tường Lâu

Cung An Định được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1917, tọa lạc bên bờ sông An Cựu xưa thuộc phường Đệ Bát - Thị xã Huế (nay mang số 97 đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế). Nguyên tại vị trí này, từ năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định về sau) đã lập phủ, đặt tên là phủ An Định.
Trải qua 80 năm tồn tại, dưới sự tác động vô thức của việc quản lý và sử dụng làm nội thất bên trong, cung An Định cùng những bức bích họa xuống cấp trầm trọng. Toàn bộ 3.610m2 tranh và trang trí họa tiết trên trần và tường 3 tầng của Khải Tường Lâu bị bong lóc, ố màu hoặc bị các lớp vôi quét tường làm các bức tranh này chỉ còn lại phế tích. Tuy vậy, giới nghiên cứu lịch sử, hội họa vẫn luôn hy vọng sẽ có thể “giải mã” sự ra đời của 6 bức bích họa hiện còn tại An Định. Theo các nhà nghiên cứu, sự phong phú, đa dạng về mô típ trang trí và màu sắc ở những bức bích họa này rất hiếm thấy trong nội thất của các lâu đài cổ ở châu Âu. Ở Việt Nam, chỉ thấy duy nhất trong cung An Định. Những bức bích họa này được vẽ bằng sơn dầu trực tiếp lên các mảng tường, có khung gỗ ốp viền, chạm khắc hoa mai, lá sen cách điệu rất đẹp. Những bức tranh đó có những nét vẽ tinh xảo ảnh hưởng phong cách châu Âu song lại mô tả phong cảnh Việt Nam. Đây thật sự là một cuộc hội ngộ độc đáo giữa văn hóa phương Tây và văn hóa truyền thống Việt Nam.
KTS. Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng: “Vì cung An Định do Khải Định xây dựng khi mới lên ngôi, lúc đó ông vua này chưa xây lăng, nên không phải vẽ phong cảnh lăng Khải Định, mà có thể vẽ một phủ đệ nào đó có tầm quan trọng đặc biệt với triều đình và bản thân nhà vua(?!)”. Còn Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn khẳng định: “Có thể những bức tranh đó vẽ lăng Khải Định khi đang ở dạng phác thảo trên bản vẽ. Như thế mới đúng trật tự tôn ti, thứ tự các lăng vua”.
Dự án bảo tồn phục hồi 6 bức tranh nằm trong sảnh chính Khải Tường Lâu được Bộ Ngoại giao Đức, thông qua Đại sứ quán tại Hà Nội đồng ý tài trợ 20.000 USD để thực hiện giai đoạn 1 (từ tháng 3 đến tháng 6-2003). Sau đó, Hiệp hội Trao đổi Văn hóa Đông - Tây hội ngộ tiếp tục trài trợ thêm 444.810,7 EURO tiến hành giai đoạn 2 dự án “Bảo tồn phục hồi nội thất và đào tạo kỹ thuật tại cung An Định”. Qua hơn 5 năm tiến hành bảo tồn, trùng tu tại cung An Định, 6 bức bích họa và nội thất ở cung An Định đã được phục hồi theo phương pháp phục hồi hoàn nguyên (PHHN), sử dụng các chất bảo quản nhằm ngăn chặn những tác hại của môi trường. Công nghệ của các lớp sơn, thành phần hóa học của bột màu và chất dung môi cũng được gửi mẫu về Đức nghiên cứu, phân tích. Những bức tranh này sau khi được PHHN đã hiện lên sáng rõ lạ lùng... “Một điều đáng ghi nhận là có 13 sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Mĩ thuật Huế cùng tham gia công việc trùng tu. Họ vừa học vừa làm và đó sẽ là những chuyên gia trùng tu tranh tường cổ đầu tiên của Việt Nam”, bà Andrea Teufel, trưởng nhóm chuyên gia người Đức nhận trách nhiệm bảo tồn, trùng tu tại cung An Định đánh giá.
Hiện nay, toàn bộ những bức tranh tường quý giá bị che lấp bởi nhiều lớp vôi màu do bàn tay vô tình của con người quét chồng lên, đã bừng sống trở lại. Thành công của việc phục hồi, bảo tồn nội thất và đào tạo cán bộ kỹ thuật tại cung An Định góp phần vào việc giữ gìn một tài sản vô giá của nhân loại.
Bài, ảnh: Hồ Ngọc Minh