Thứ ba, 27/8/2013, 21h08

Đã làm là phải hiệu quả!

SV Trường ĐH Bách khoa đang làm đường giao thông nông thôn
“Chèng ơi! Con gái con lứa mà làm vậy hả con? Thôi về đi, để đó chú làm cho”, rồi ông lớn tiếng quát mấy anh trai làng còn đang ngơ ngác đứng nhìn: “Tụi bay nhìn cái gì, không thấy con gái người ta xắn quần, xắn áo trộn cát, trộn bê tông đó à. Vô mà làm đi”. Sau tiếng quát của ông, mấy anh trai như tỉnh hẳn, ngại ngùng xúm vào phụ mấy cô sinh viên (SV) cầm xẻng làm việc.
Đó chỉ là một trong rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ của chiến sĩ Mùa hè xanh (MHX) Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tại mặt trận Bình Phú (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) năm nay. Hơn 700 chiến sĩ đã có một MHX hết sức ý nghĩa khi đi về những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Đi để trưởng thành
Tại MHX năm nay, các chiến sĩ đã xây dựng được 4 nhà tình thương, 13 cầu bê tông và 17.207m đường bê tông giao thông nông thôn, bê tông hóa 240m2 sân trường tiểu học, chuyển giao 5 công trình lọc nước, 35 công trình an toàn điện và lắp đặt hệ thống chiếu sáng 2.600m đường. Anh Lê Hoàng Minh, Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trong số những SV làm nòng cốt chính tham gia các hoạt động còn có một đội hình chuyên gồm các thầy cô giáo trẻ, SV chuyên ngành xây dựng, môi trường đảm nhận vai trò khảo sát, tư vấn chuyên môn cho việc thiết kế và thi công các công trình. Với lợi thế ngành kỹ thuật, SV có thể ứng dụng chuyên môn biến những vật liệu tài trợ như xi măng, dầm, cọc… thành những công trình cụ thể, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức xây dựng các công trình an sinh xã hội. “Thực tế trong các năm qua cho thấy, chiến dịch MHX luôn là một trong những lựa chọn thực tập, kiến tập của SV Khoa Xây dựng, Môi trường; công trình MHX là đề tài luận văn tốt nghiệp của một số SV. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của SV gắn với thực tiễn, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống cũng được hình thành từ quá trình tiếp cận, tìm hiểu qua các hoạt động tình nguyện”, anh Minh khẳng định.
Một điều mà tất cả SV đều nhận được khi “cho đi” là họ nhận lại rất nhiều, trưởng thành hơn, nghe và hiểu nhiều hơn về giá trị cuộc sống. Đó là những chén cháo nóng hổi từ tay các bà má nghèo, là nghĩa cử của tình bạn khi họ thay phiên nhau… đập muỗi cho bạn mình…
Chú trọng “chất” hơn lượng
Muốn tham gia chiến dịch MHX, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM phải trải qua những vòng thi khá “lạ” như hít đất, chạy ngoài nắng, nếm thức ăn… với tỉ lệ “chọi” 1/20 để chọn ra những ứng viên có sức khỏe, sức chịu đựng, khả năng hòa hợp và thích nghi với môi trường mới. Các SV cũng được tập huấn công tác về chuyên môn xây dựng, kỹ năng dạy học, thuyết phục từ 3-4 tuần trước khi ra quân chiến dịch. Và để các công trình đến được những nơi cần thì công tác tổ chức, tiền trạm, vận động các nguồn lực xã hội cùng tham gia luôn được chú trọng. “Những lời gợi ý của chính quyền địa phương chỉ mang tính chất tham khảo, nhà trường sẽ cử SV xuống lắng nghe ý kiến của từng hộ dân, khảo sát địa hình, xem kế hoạch phát triển của địa phương để xây dựng những công trình cần thiết cho người dân và phù hợp với sự phát triển của địa phương. Đặc biệt, các kế hoạch xây dựng đều có sự tham gia giữa chiến sĩ - địa phương và doanh nghiệp để họ hiểu được giá trị công trình và nâng cao ý thức giữ gìn của người dân sau khi hoàn thành”, anh Minh cho biết thêm.
Có đi và nhìn các chiến sĩ cùng bà con địa phương vác từng bao đá, bao cát, đổ từng mẻ bê tông, bẻ từng sợi kẽm làm mặt cầu... mới thấy hết tinh thần MHX được chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào. Để rồi sau những chuyến đi ấy, rất nhiều chiến sĩ dù đã trải qua những cơ cực vẫn hăng hái đi theo tiếng gọi nơi Tổ quốc đang cần.
Bài, ảnh: Linh Vy
Có đi và nhìn các chiến sĩ cùng bà con địa phương vác từng bao đá, bao cát, đổ từng mẻ bê tông, bẻ từng sợi kẽm làm mặt cầu... mới thấy hết tinh thần MHX được chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào.