Thứ tư, 4/3/2009, 08h03

Dạy học ở bậc tiểu học

 

Chương trình bất cập, chất lượng yếu kém

Học sinh tiểu học cần được học 2 buổi/ngày

Ngày 3-3-2009 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị đào tạo và bồi dưỡng giáo viên hướng tới dạy học cả ngày ở bậc tiểu học. Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo đầu ngành và các chuyên gia giáo dục đều cho rằng chương trình dạy học ở bậc tiểu học còn nhiều bất cập…
35% học sinh được học cả ngày
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, Trưởng ban chuẩn bị của dự án đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) cho biết, hiện nay, chất lượng giáo dục còn thấp vì một số nguyên nhân như: chất lượng đội ngũ giáo viên thấp; thời lượng học tập ít, chỉ có 450 giờ/năm, trong khi đó thời gian tối thiểu để học tập cần tới 700 giờ/năm; cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu dạy và học. Chính những nguyên nhân này đã dẫn đến nhiều bất cập trong giáo dục tiểu học ở các vùng miền của Việt Nam. Hiện chỉ có 35% học sinh được học cả ngày. Tỷ lệ này chủ yếu “rơi” vào những vùng thuận lợi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết ở vùng đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày lên tới 90%. Tuy nhiên chương trình và kế hoạch dạy học buổi 2 không thống nhất, chưa được chỉ đạo tập trung, chủ yếu là tình trạng dạy thêm - học thêm. Điều này dẫn tới học sinh học quá tải, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe học sinh và gây bức xúc cho xã hội. Trong khi đó, học sinh vùng thuận lợi, học khá thì được học thêm; còn học sinh vùng khó khăn, học yếu thì không được học thêm! Do đó, học sinh vùng khó không đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Qua lớp 1 vẫn chưa biết đọc - viết
Vấn đề dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc đã được đưa ra bàn thảo tại rất nhiều hội nghị của ngành giáo dục và đã có nhiều dự án “đầu tư” vào. Nhưng hiện nay, ở một số địa phương, tình hình vẫn chưa thấy sáng sủa. Theo Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, hầu hết học sinh dân tộc ở vùng sâu, vùng xa ra lớp chưa được qua lớp mẫu giáo 5 tuổi nên không biết tiếng Việt. Kết quả học tập của đối tượng học sinh này rất thấp. Qua lớp 1 hầu như chưa biết đọc, biết viết. Song vì áp lực tâm lý nếu ở lại lớp sẽ bỏ học và các biểu văn bản đánh giá mới (quyết định 30) chưa triệt để, không cho học sinh lưu ban nên số học sinh này đều được lên lớp 2.

Học sinh tiểu học ở ĐBSCL trên đường đến trường

Nhiều địa phương đã có những giải pháp để hỗ trợ học sinh lớp 1 chưa biết nói tiếng Việt nhưng lại gặp phải những bất cập từ chương trình và thời lượng dạy học tiếng Việt. SGK chủ yếu biên soạn cho học sinh học tiếng Việt với tư cách là tiếng mẹ đẻ, học sinh đã biết nghe, nói tiếng Việt trước khi đến trường. Trong khi đó, đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2 (giống như học ngoại ngữ). Thứ hai thời lượng dạy học môn tiếng Việt hiện nay là 350 tiết/năm. Thời lượng này có thể phù hợp với học sinh người Việt học tiếng Việt nhưng rất khó khăn với học sinh người dân tộc. Việc tăng thời lượng dạy học các môn học tiếng Việt lớp 1 là một nhu cầu thực tế. Những năm gần đây, dù đã có sự cố gắng của ngành giáo dục cũng như sự hỗ trợ của các chương trình, dự án nhưng theo báo cáo của các địa phương, năm học 2007 – 2008 kết quả dạy học tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc của địa phương còn thấp. Hà Giang có tới 22,48% học sinh dân tộc yếu tiếng Việt, tỷ lệ này ở Đắk Nông là 16,94%, Gia Lai là 16,77%... Hiện tượng lên lớp “gượng” hoặc “ngồi nhầm lớp” cũng khá phổ biến.
Chính vì vậy, dự án SEQAP đã đề xuất 2 mô hình dạy học cả ngày với thời lượng 30 tiết/tuần (T30) hoặc 35 tiết/tuần (T35) tùy điều kiện từng địa phương. Trong đó, T30 chủ yếu áp dụng cho các vùng khó khăn, tập trung tăng cường tiếng Việt và toán và dạy tiếng dân tộc (lớp 1, 2, 3 thêm 7 tiết/tuần; lớp 4, 5 thêm 5 tiết/tuần). T35 áp dụng cho vùng thuận lợi, cho những trường thuận lợi ở vùng khó khăn. Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, theo lộ trình, năm 2009 – 2015 chủ yếu thực hiện mô hình T30; 2015 – 2020 chủ yếu thực hiện mô hình T35. Từ 2025 thực hiện mô hình T35.
Nghiêm Huê