Thứ tư, 20/10/2010, 14h10

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học: “Làm sao tránh đọc - chép?”: Cần hiểu đúng về phương pháp dạy đọc - chép

Giáo viên phải lấy học sinh làm trung tâm của tiết học, cần đặt ra những câu hỏi gợi mở để học sinh trả lời (ảnh minh họa). Ảnh: TR.TRI

Trước hết nên thống nhất quan niệm chung, phải hiểu như thế nào mới được gọi là đọc- chép để có sự phân biệt rõ ràng, tránh ngộ nhận một cách máy móc. Theo tôi, một tiết học lạm dụng đọc-chép là khi thầy giáo không giảng bài bằng phương pháp thuyết trình mà chỉ có mỗi một việc là thầy đọc trò ghi đơn điệu thuần túy từ đầu đến cuối giờ học. Nếu thầy giảng trước, sau đó chốt lại từng ý rồi ghi kiến thức lên bảng và học sinh (HS) chép vào vở thì không thể gọi là tình trạng đọc-chép được. Thế nhưng lại có một số cán bộ chuyên môn khi dự giờ thấy giáo viên (GV) giảng bài xong rồi sau đó “gút” lại và để HS tự chép vào vở đã cho rằng đó là hiện tượng đọc-chép. Nếu quan niệm như thế thì rõ ràng đã phủ nhận hoàn toàn phương pháp truyền thống từ trước đến nay. Vì thế, trước hết chúng ta phải có quan niệm thật đúng, phân biệt thật rạch ròi, tránh máy móc khiên cưỡng và cả áp đặt.
Như trên đã nói, dạy đọc-chép thuần túy khi chỉ có một hoạt động thầy đọc trò cầm bút ghi theo. Cách dạy đó thực tế đã có rất nhiều hạn chế như giảm tư duy của HS, vào lớp các em rất thụ động không chịu làm việc, có khi ngủ gục làm cho tiết học đơn điệu buồn tẻ và mất hứng thú. Người dạy phải lấy HS làm trung tâm, biết đặt và đưa ra một hệ thống câu hỏi khoa học logic trong quá trình giảng. Những câu hỏi phát vấn vừa gợi mở vừa giúp các em tìm hiểu sâu kiến thức. Trên cơ sở đó GV đi đến kết luận chính xác hướng tới trọng tâm bài học. Trong xu thế đổi mới phương pháp giảng dạy và hướng tới dạy học theo hướng cá thể hóa, các trường THCS (trong đó có Trường THCS Gò Vấp) đã chấm dứt hiện tượng đọc chép. Để GV thực hiện tốt nhà trường đã tạo các điều kiện thuận lợi trong các chương trình hoạt động chuyên môn như thư viện luôn cung cấp nhiều tài liệu như các sách chuẩn kiến thức, trang bị màn hình vi tính LCD để giúp thầy cô có điều kiện thiết kế giáo án điện tử thực hiện bài giảng trình chiếu.
Cụ thể, hiện nay tại phòng GV của Trường THCS Gò Vấp, mỗi tổ chuyên môn đều có một máy vi tính nối mạng để thầy cô lên mạng tìm tài liệu cập nhật thông tin liên quan đến bài dạy qua trang Tài nguyên của Phòng GD-ĐT Gò Vấp cũng như của Sở GD-ĐT TP.HCM. Nhiều thầy cô có trách nhiệm và tâm huyết còn giới thiệu các trang web đó cho HS để các em sao chép tìm hiểu phục vụ cho việc học ở nhà và tham khảo kiến thức ngoài chương trình. Sắp tới trường chúng tôi đăng cai tiết dạy môn vật lý của khối 9 cấp thành phố để phục vụ cho chủ đề Dạy học theo dự án do cô Nguyễn Tưởng Nga đứng lớp. Bài giảng có tên Dự án sử dụng an toàn và tiết kiệm điện.
Đỗ Văn Minh
(Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp, TP.HCM)

Có một số cán bộ chuyên môn khi dự giờ thấy GV giảng bài xong rồi sau đó “gút” lại và để HS tự chép vào vở đã cho rằng đó là hiện tượng đọc-chép. Nếu quan niệm như thế thì rõ ràng đã phủ nhận hoàn toàn phương pháp truyền thống từ trước đến nay.