Thứ sáu, 26/3/2010, 08h03

Đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TP: Học sinh được “giải tỏa” trăn trở, băn khoăn

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn chia sẻ cùng các em học sinh tại buổi tọa đàm sáng 25-3. Ảnh: N.A

Hơn 80 học sinh (HS) đại diện cho các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã có buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT vào ngày 25-3-2010. Các em đã có dịp trình bày những tâm tư, tình cảm cũng như những nguyện vọng của mình trước những vấn đề đang xảy ra ở lứa tuổi học trò.
Giáo dục nhà trường còn nhiều bất cập
Chương trình học, môn học và phương pháp giáo dục trong nhà trường là một trong những đề tài được nhiều HS tham gia đề xuất ý kiến. Em Mai Thị Ngọc Hà (THPT Lý Thường Kiệt) bức xúc: “Trước đây, mọi người lên án cách học theo kiểu đọc chép, nhưng em cảm thấy, chúng ta đang dần đổi hướng từ “đọc chép” sang “đọc thuộc”. Điều đó có thể dễ dàng thấy được trong môn giáo dục công dân (GDCD). Đây là môn giáo dục nhân cách con người nhưng các bạn chỉ học thuộc để lên trả bài. Nhiều bạn tổng kết cuối năm môn GDCD được 10 điểm đơn giản chỉ nhờ học thuộc. Thỉnh thoảng, chúng em cũng có những buổi thảo luận cho một số môn học nhưng sau mỗi buổi thảo luận ấy, giáo viên lại đọc cho HS chép lại bài giảng theo ý của mình vì sợ HS không đủ kiến thức đi thi. Việc lập những ba-rem điểm và đối chứng trong lúc chấm bài thi bắt buộc HS phải học thuộc và cảm thấy giảm đi tính sáng tạo trong những bài thi mang tính chất tự luận. Thời gian học tiếng Anh hiện nay của HS là khá nhiều, nhưng liệu có bao nhiêu bạn có thể tự tin để giao tiếp bằng ngôn ngữ đó. Bộ môn công nghệ thì có những phần rất xa lạ và không áp dụng được với thực tế. Chính những bất cập trong quá trình tiếp thu kiến thức buộc chúng em không thể không học thêm ở ngoài dù chương trình ở trường đã quá nặng”.
Quả thực, vấn đề dạy thêm, học thêm cũng là điều khiến nhiều HS bức xúc. Cùng nhau thảo luận trong buổi tọa đàm, có HS cho rằng, khi giảng dạy, giáo viên thường không truyền tải hết lượng kiến thức của mình mà “giấu đi” để dành cho những buổi học thêm. Em Trần Ngọc Xuân Đài phân tích: “Thông thường, những bạn học thêm thuộc hai đối tượng: HS muốn trang bị, nâng cao kiến thức và HS đi học để được thầy cô để ý, nâng đỡ trong một số môn học. Thậm chí, một số bạn còn đến lớp học thêm để xả stress, để đối phó với phụ huynh. Trong chương trình học, nhiều bạn còn lơ là với những môn học xã hội, môn “phụ” mà không biết rằng đó là những môn trang bị cho các bạn cách làm người, những kiến thức quan trọng và cần thiết để khi ra đời, các bạn không bỡ ngỡ”.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Dạy thêm học thêm có thời kì đã trở thành vấn nạn chung của xã hội. Chúng tôi sẽ có chế độ kiểm tra, đánh giá từng trường hợp cụ thể. Thực ra, do hạn chế về trang thiết bị, thời gian cộng với việc HS lơ là khi học tâp đã khiến nhiều giáo viên không truyền đạt được hết kiến thức của mình. Hiện tại, Sở GD-ĐT đang có kế hoạch biên soạn chương trình học nhằm giảm tải lượng kiến thức không cần thiết. Không có kiến thức nào là vô bổ, có chăng chỉ là không phù hợp với mỗi cấp học của các em”.
Cùng nói về chương trình học, Thùy Trang (THPT Củ Chi) bày tỏ: “Em nghĩ chúng ta nên đưa bộ môn giáo dục giới tính vào trường học. HS chúng em đang trong giai đoạn phát triển và có những tò mò về giới tính. Không những thế, nhiều bạn còn đi quá giới hạn cho phép. Vì thế, giáo dục giới tính là việc rất cần thiết, thà “vẽ đường” cho “hươu chạy đúng” còn hơn để “hươu chạy lạc đường””. Chung quan điểm với bạn mình, Nguyệt Kiều (THPT Marie Curie) thổ lộ: “Hiện nay, hiện tượng lệch lạc giới tính ở lứa tuổi học trò đang rất phổ biến. Không khó để nhìn thấy cảnh hai bạn nữ hoặc hai bạn nam cầm tay nhìn nhau đắm đuối. Có nhiều bạn thuộc về thế giới này nhưng cũng có nhiều bạn chỉ vì muốn thử nghiệm mình, dẫn đến chuyện lệch lạc và lâu dần sẽ phát sinh những mối quan hệ không lành mạnh”.
Ý thức cá nhân đặt lên hàng đầu

Phó giám đốc Sở Lê Hồng Sơn trao đổi với học sinh trong buổi tọa đàm

Trước tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) đang xảy ra tràn lan tại một số trường trong cả nước, buổi đối thoại cũng xoay quanh đề tài khá “hot” này. Xuân Hạo (THPT Nguyễn Hữu Cầu) bày tỏ: “Vấn đề BLHĐ đã xảy ra từ lâu và trở thành vấn đề rất bình thường với HS. Chúng em chỉ ngạc nhiên là tại sao đến bây giờ những vụ việc này mới bị phanh phui? Và liệu, lúc này mới đưa ra biện pháp xử lý và ngăn chặn thì có quá muộn màng?”. Không chỉ BLHĐ, những vấn đề về vệ sinh môi trường, phát huy và phát triển một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, công cuộc đổi mới và phát triển đất nước cũng cần đến sự chung tay góp sức của từng cá nhân. “Các em nói được mà không nghĩ rằng mình cũng có thể giải quyết được. Không nên quá trông chờ vào những việc làm của nhà trường, của xã hội. Trong môi trường đoàn, hội, các em cũng có thể học tập và nhắc nhở nhau, cùng nhau phấn đấu”, thầy Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận nhắc nhở. Trong cuộc sống ngày càng du nhập nhiều luồng văn hóa, việc tự rèn luyện, tự nâng cao ý thức trong mỗi HS là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. “Không ai giải quyết vấn đề của mình tốt bằng chính bản thân mình. Vì thế, mọi sự việc phải bắt đầu từ chính bản thân các em. Những vấn đề xảy ra trong xã hội, trong nhà trường, người lớn đều đã thấy và đang có biện pháp xử lý. Các em phản ánh nhưng cũng phải tự đặt câu hỏi xem mình đã làm được bao nhiêu, làm được những gì để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc đó? Những gì các em trao đổi, người lớn sẽ làm nhưng các em cũng phải bắt đầu ngay từ những hành động nhỏ nhất trong trường học, đó là việc rèn luyện, tự nâng cao ý thức bản thân mình, từ đó nhắc nhở bạn mình có không làm những điều dại dột”, TS. Huỳnh Công Minh, GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh