Thứ năm, 4/1/2024, 10h30

Dồn lực mở rộng các cửa ngõ tại TPHCM

UBND TPHCM vừa ban hành quyết định triển khai thực hiện 5 dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) trên đường hiện hữu theo Nghị quyết 98/2023/QH15. Sự “hồi sinh” 5 dự án này hy vọng khơi thông các điểm nghẽn kinh niên hàng thập kỷ qua tại các cửa ngõ thành phố.

 

Cửa ngõ phía Tây TPHCM, nhất là tại giao lộ đườ ng dẫn vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lươ ng và đườ ng Võ Trần Chí (huyện Bình Chánh, TPHCM), thườ ng xảy ra kẹt xe. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thông từ Tây sang Đông

Theo kế hoạch, khu vực cửa ngõ hướng về miền Tây sẽ triển khai 3 dự án. Thứ nhất, dự án mở rộng đoạn quốc lộ 1 từ An Lạc (quận Bình Tân) đến ranh tỉnh Long An dài gần 10km, mở rộng lên 52m với kinh phí đầu tư gần 12.900 tỷ đồng. Dự án này được kỳ vọng xóa “nút thắt cổ chai” ở cửa ngõ phía Tây thành phố. Thứ hai là dự án đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm dài 7,5km, mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng vốn gần 4.500 tỷ đồng. Thứ ba là dự án cầu - đường Bình Tiên, nối quận 6, 8, huyện Bình Chánh.

Theo thiết kế trước đây, cầu Bình Tiên (bao gồm cả đường dẫn) dài khoảng 3,2km, rộng 30-40m với 4 làn xe trên tuyến chính và các đường hai bên. Tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 6.200 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM Lương Minh Phúc, cầu - đường Bình Tiên khi hình thành sẽ tạo trục huyết mạch kết nối quốc lộ 50 đang mở rộng, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, giúp tháo điểm nghẽn giao thông, mở ra không gian phát triển đô thị cho khu Nam thành phố.

Trong khi đó, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, dự án mở rộng quốc lộ 22 từ An Sương đến Vành đai 3 lên gần 40m đang được lên kế hoạch đầu tư với kinh phí 3.600 tỷ đồng. Dự án mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, dài gần 5km thuộc địa bàn TP Thủ Đức cũng đang được xúc tiến. Đây là cửa ngõ chính phía Đông Bắc thành phố, kết nối tỉnh Bình Dương, Bình Phước, sẽ được mở rộng lên 53-60m, kinh phí ước tính 10.000 tỷ đồng.

Chính sách hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư

Theo Sở GTVT TPHCM, Nghị quyết 98/2023/QH15 mở ra cơ hội lớn cho phát triển thành phố, hạn chế đầu tư dàn trải. Các dự án nói trên được Sở GTVT đề xuất dựa trên nhiều tiêu chí cụ thể như tầm quan trọng của tuyến đường, khả năng giải quyết ùn tắc, tính khả thi phương án tài chính cũng như khả năng huy động vốn.

Quốc lộ 13 - cửa ngõ phía Đông TPHCM có lưu lượng giao thông lớn, thường xảy ra kẹt xe. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về phương án thực hiện, lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết, theo Nghị quyết 98/2023/QH15, đối với các dự án BOT trên đường hiện hữu, ngân sách thành phố được tham gia tới 70% tổng mức đầu tư dự án. Đây là điểm mới nhằm tăng sức hấp dẫn và tăng tính khả thi phương án tài chính của các dự án, tạo sức hút cho các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia.

Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng sẽ tách riêng thành dự án độc lập, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Việc này giao cho ban bồi thường giải phóng mặt bằng của các quận huyện, nơi có dự án đi qua thực hiện. Nhà đầu tư chỉ tham gia gói thầu xây lắp dự án. Trong khi trước đây, hầu hết các nhà đầu tư đều tham gia công tác giải phóng mặt bằng nên dẫn đến dự án triển khai rất chậm. Về công tác thực hiện, tất cả các dự án sẽ được đấu thầu công khai, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đều có thể tham gia.

Dưới góc độ nhà đầu tư, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM Lê Quốc Bình cho biết, trước đây, thành phố đã từng kêu gọi đầu tư BOT cho nhiều dự án nhưng doanh nghiệp tham gia không nhiều vì khó thu hồi vốn. Doanh nghiệp cũng lo lắng tính khả thi trong việc hoàn vốn khi làm các dự án BOT trên đường hiện hữu. Để thu hút nhà đầu tư, thành phố cần các đánh giá khả thi trong hoàn vốn, phương án tổng thể kết nối giao thông xung quanh, tránh trường hợp người dân không vào đường BOT mà dồn qua đường khác, gây ùn tắc.

Nhận định về việc thực hiện các dự án BOT, PGS-TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, cho rằng, thông qua các hình thức BOT, thành phố sẽ có thêm cơ hội tăng tốc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông các cửa ngõ mà nhiều năm qua vì thiếu vốn nên chậm trễ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thành phố cần đảm bảo sự minh bạch, kèm theo các cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý chặt để tránh tiêu cực như từng xảy ra ở một số dự án áp dụng loại hợp đồng trên. Các dự án hạ tầng thành phố triển khai theo hợp đồng BOT và BT (xây dựng - chuyển giao) có tổng mức đầu tư rất lớn nên nhiều rủi ro như: chậm giải phóng mặt bằng, người dân phản ứng, ảnh hưởng khả năng thu hồi vốn... Vì vậy, trong thỏa thuận giữa thành phố và nhà đầu tư cần rõ ràng, cụ thể để đảm bảo dự án hiệu quả, hài hòa lợi ích.

Theo Quốc Hùng/SGGP